Ngày 11/2, TPHCM đã ra mắt mô hình thí điểm Trung tâm điều hành Y tế thông minh đầu tiên của cả nước.

Trung tâm điều hành Y tế thông minh do Sở Y tế TPHCM phối hợp cùng Công ty Cổ phần Tiến bộ Quốc tế AIC xây dựng kế hoạch, hoàn chỉnh các phương án, thi công và lắp đặt các trang thiết bị kỹ thuật.

Đây cũng là trung tâm y tế thông minh đầu tiên của cả nước được thành lập, với mục tiêu nâng cao hiệu quả công tác quản lý, giám sát và chỉ đạo điều hành trong ngành y tế. Đồng thời hỗ trợ, góp phần nâng cao công tác khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe người dân; mang lại tiện ích tốt nhất cho các nhà quản lý, cán bộ chuyên môn, bệnh nhân và người dân.

Lãnh đạo TPHCM, Sở Y tế và Công ty AIC bấm nút ra mắt Trung tâm điều hành Y tế thông minh
Lãnh đạo TPHCM bấm nút ra mắt Trung tâm điều hành Y tế thông minh. Ảnh: KA

Hiện nay, Trung tâm điều hành Y tế thông minh đã triển khai thí điểm một số hợp phần phần cứng, phầm mềm, trong đó có Hệ thống giám sát dịch Corona. Cụ thể, Trung tâm đã được trang bị Máy chủ lưu trữ dữ liệu tại Sở Y tế; Máy chủ quản lý camera VMS; Camera tại Sở và các bệnh viện;… Xây dựng và đưa vào vận hành các Hệ thống báo cáo thông minh; Hệ thống kết nối với Trung tâm cấp cứu 115; Tích hợp hệ thống khảo sát hài lòng người bệnh, khảo sát người bệnh nội trú;… Trung tâm đã thí điểm tích hợp kết nối 48 camera của 8 bệnh viện kèm theo phân tích trí tuệ nhân tạo phục vụ cho công tác điều phối quá tải cấp cứu, phòng chống dịch bệnh Corona; nhận dạng trộm cắp, cò mồi,…;

Về ứng dụng của trung tâm trong việc phòng chống dịch do virus Corona, PGS.TS. BS Tăng Chí Thượng, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cho biết, ngồi ở Trung tâm có thể gọi điện với bệnh nhân nhiễm virus Corona; cập nhật từng giờ từng phút số ca mắc bệnh thay cho những báo cáo bằng giấy trước đây,… Qua Trung tâm, Sở Y tế có thể thể trao đổi thường xuyên với Giám đốc Bệnh viện dã chiến tại Củ Chi. Đồng thời, quan sát hoạt động qua hệ thống camera giám sát mà không cần phải xuống trực tiếp hàng ngày, góp phần quan trọng trong việc phòng chống dịch do virus Corona.

Các bác sĩ tại Đài Loan và Nhật Bản trao đổi trực tuyến tại buổi ra mắt
Các bác sĩ tại Đài Loan và Nhật Bản trao đổi trực tuyến tại buổi ra mắt Trung tâm. Ảnh: KA

Ngoài ra, Trung tâm điều hành Y tế thông minh còn kết nối với các chuyên gia, bác sĩ trong nước và hơn 100 bệnh viện tại 12 quốc gia trên thế giới, nhằm giúp các bác sĩ Việt Nam dễ dàng hội chẩn và thảo luận về chuyên môn, thực hiện chuyển giao công nghệ trong ngành y tế của Thành phố.

H
Hệ thống giám sát dịch Corona. Ảnh: KA

Phát biểu tại buổi lễ, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân cho biết, TPHCM có hơn 10 triệu dân nhưng khám và điều trị cho 15 – 16 triệu người, chủ yếu là người dân từ các tỉnh thành phía Nam. “Vì vậy, Thành phố cần tập trung nguồn lực, cơ sở vật chất hiệu quả cao thì mới đáp ứng được nhu cầu thực tế. Việc triển khai y tế thông minh nhằm đáp ứng được nhu cầu thực tế, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý cập nhật và chuẩn bị để ứng phó với những tình huống khẩn cấp, cụ thể là trong thời điểm dịch do Corona bùng phát như hiện nay” – Bí thư Thành ủy nhấn mạnh và cho rằng, Trung tâm điều hành y tế thông minh cần phát triển hơn các ứng dụng về công nghệ thông tin, AI,… để phục vụ chăm sóc sức khỏe tốt hơn theo nhu cầu của người dân.