Ngày 27/9, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TPHCM bắt đầu triển khai thí điểm mô hình TelePrEP như một giải pháp mới để hỗ trợ những người thuộc nhóm nguy cơ cao tiếp cận dịch vụ điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV một cách thuận lợi.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, TPHCM phát hiện 2.758 ca nhiễm HIV mới. Trong đó, nam giới chiếm 92% tổng số ca nhiễm; 73% ca nhiễm thuộc nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM); và 26% số ca nhiễm thuộc độ tuổi sinh viên, học sinh (từ 22 tuổi trở xuống), 62% số ca nhiễm thuộc độ tuổi từ 23-40. Trước tình hình dịch HIV có xu hướng tập trung trên nhóm MSM, ngành y tế Thành phố xác định, bên cạnh các biện pháp đã và đang thực hiện, cần triển khai các giải pháp mới để phù hợp với tình hình mới và mô hình TelePrEP là một trong số đó.
Với dịch vụ TelePrEP, người dùng không cần tới trực tiếp phòng khám. Bác sĩ và người cần tư vấn sử dụng thiết bị và công nghệ thông tin (điện thoại, zalo, faceboock,..) để thực hiện việc tư vấn, khám và điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV (PrEP). Người dùng sẽ được cấp phát thuốc thông qua một đơn vị vận chuyển và không cần đến trực tiếp phòng khám để nhận thuốc.
Các dịch vụ TelePrEP bao gồm: Đặt lịch khám; Sàng lọc nguy cơ lây nhiễm HIV; Tư vấn về lợi ích PrEP; Tư vấn, hỗ trợ thực hiện các xét nghiệm cần thiết cho PrEP; Tư vấn, hỏi bệnh và kê đơn thuốc cho các trường hợp đang điều trị PrEP có tuân thủ điều trị tốt; Hỗ trợ tuân thủ, duy trì điều trị PrEP; Cung cấp thuốc PrEP miễn phí cho khách hàng qua đơn vị vận chuyển.
Dịch vụ TelePrEP giúp giảm thời gian đi lại và chờ đợi. Đối với cơ sở điều trị, TelePrEP giúp tăng độ bao phủ, số lượng người sử dụng PrEP. Đồng thời, giúp giảm công việc hành chính, kiểm soát nhiễm khuẩn, sàng lọc và tăng sự bảo mật, riêng tư.
Kiều Anh