Diễn đàn vi cơ điện tử (MEMS) lần thứ hai được Khu Công nghệ cao TPHCM (SHTP) tổ chức ngày 28/9 tại TPHCM, nhằm thu hút những đối tác tiềm năng cùng thực hiện các hoạt động hợp tác đào tạo nhân lực, chuyển giao công nghệ và triển khai các dự án đầu tư nghiên cứu - sản xuất, thương mại hóa sản phẩm MEMS.

PGS.TS Lê Hoài Quốc, Trưởng ban Quản lý SHTP, cho biết, diễn đàn năm nay hướng đến mục tiêu xây dựng một nền tảng kiến thức chung và nguồn thông tin đáng tin cậy, bảo đảm tính khả thi cũng như tầm quan trọng của việc xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ MEMS, có vai trò như chất xúc tác tạo ra những sản phẩm thương mại hóa chất lượng cao và đóng góp cho Việt Nam. Diễn đàn tập trung thảo luận những những chủ đề chính như thương mại hóa sản phẩm MEMS từ kết quả nghiên cứu; chính sách thu hút, phát triển ngành công nghiệp MEMS; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển ngành công nghiệp MEMS; vai trò của Quỹ đầu tư mạo hiểm trong phát triển hệ sinh thái MEMS;…

Diễn giả quốc tế chia sẻ về ngành công nghiệp MEMS tại Diễn đàn
Diễn giả quốc tế chia sẻ về ngành công nghiệp MEMS

Thời gian qua, TPHCM đã thành lập Hội Công nghệ vi mạch bán dẫn; đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về lĩnh vực thiết kế MEMS tại Nhật Bản; tăng cường hợp tác nghiên cứu, tiếp nhận và chuyển giao công nghệ; thu hút đầu tư trong và ngoài nước gắn với chuỗi liên kết; thúc đẩy việc thương mại hóa các sản phẩm MEMS sản xuất trong nước.

Đặc biệt, đối với các dự án sản xuất vi mạch điện tử, mạch tích hợp, cảm biến được TPHCM đưa vào chương trình kích cầu đầu tư với mức hỗ trợ lãi suất vay vốn cho mỗi dự án là 200 tỷ đồng. Vì vậy, TPHCM đã có tên trên bản đồ vi mạch thế giới, bước đầu tạo ra những yếu tố ban đầu của hệ sinh thái MEMS. Sau khi Diễn đàn MEMS 2017 kết thúc, đến nay SHTP đã cấp phép cho 4 dự án hoạt động trong lĩnh vực MEMS, với giá trị trên 2 ngàn tỷ đồng. Mục tiêu của 4 dự án đều nhắm vào sản xuất sản phẩm có thiết bị công nghệ cao, cụ thể là các thiết bị kết nối internet vạn vật; board mạch và chíp tiết kiệm năng lượng hiệu suất cao; linh kiện điện tử và mạng lưới thiết bị kết nối internet,…

Theo GS Susumu Sugiyama (Đại học Rit Sumeikan, Nhật Bản), TPHCM có tiềm năng rất lớn để phát triển ngành công nghiệp MEMS. Tuy nhiên, đây là ngành đặc thù phải đầu tư công nghệ cao, nên phát triển ngành này phải dựa vào nhu cầu thực tế để đầu tư và phát triển công nghệ thích hợp. TPHCM cần có những dự án, chương trình, dự án dựa trên công nghệ MEMS để phục vụ phát triển KT –XH. Ngoài ra, cần chú trọng vấn đề nhân lực cho ngành này. Các ứng viên để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển ngành công nghiệp MEMS là sinh viên Việt Nam đang học tập, nghiên cứu công nghệ tiên tiến ở châu Âu, Mỹ, Nhật Bản; sinh viên được tuyển dụng từ các trường đại học, viện nghiên cứu, công ty;…

“Chuẩn bị tốt nguồn nhân lực chất lượng cao thì ngành công nghiệp MEMS mới phát triển được” – GS. Susumu Sugiyama chia sẻ.

SHTP giới thiệu những sản phẩm ứng dụng công nghệ MEMS
SHTP giới thiệu những sản phẩm ứng dụng công nghệ MEMS

GS Casper Juffermans (Đại học Công nghệ DELFT, Hà Lan) thì cho rằng, MEMS là thị trường toàn cầu, nên TPHCM muốn phát triển ngành công nghiệp này phải nắm được thị trường thế giới chứ không chỉ thị trường trong nước. Thành phố nên dựa vào thế mạnh của mình và hợp tác chặt chẽ với các tổ chức quốc tế để phát triển thị trường MEMS. Ngoài ra, khi đầu tư vào ngành công nghiệp MEMS không chỉ tập trung vào công nghệ mà còn cần chú ý đến việc thương mại hóa sản phẩm. “Việt Nam cần chú trọng marketing những tiềm năng, lợi thế cũng như sản phẩm của mình ra thị trường thế giới” – theo GS. Casper Juffermans.

Phát biểu tại Diễn đàn, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh, MEMS là ngành công nghệ cao được Chính phủ Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng ưu tiên đầu tư phát triển. Đây còn là một trong số 8 trụ cột của Chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TPHCM giai đoạn 2017 - 2020, đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình công nghiệp hóa, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo.

“TP.HCM cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp sản xuất cảm biến khởi nghiệp và kinh doanh. Đồng thời, thành phố cũng kêu gọi các doanh nghiệp đẩy mạnh đầu tư, chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực cho ngành công nghiệp MEMS” – ông Phong nói.