Giai đoạn 2016-2020, TPHCM phấn đấu tăng tỷ lệ số đề tài nghiên cứu khoa học được ứng dụng trực tiếp vào thực tiễn lên 60%, phấn đấu có 5 sản phẩm trọng điểm mang thương hiệu thành phố.

Ông Phạm Văn Xu - Trưởng phòng Quản lý khoa học, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TPHCM cho biết như vậy tại hội nghị giới thiệu Chương trình nghiên cứu khoa học (NCKH), phát triển công nghệ và nâng cao tiềm lực KH&CN giai đoạn 2016-2020 của TPHCM (gọi tắt là Chương trình), tổ chức ngày 21/2.

Theo ông Xu, giai đoạn trước năm 2011-2015, trong số đề tài NCKH của thành phố, tỷ lệ được ứng dụng trực tiếp là 42% và tỷ lệ ứng dụng gián tiếp là 36%. Có 1,9% số đề tài không được ứng dụng vì không có tính khả thi. Nguồn kinh phí cho KH&CN giai đoạn này được đầu tư dàn trải cho tất cả 19 chương trình nên hiệu quả không cao. Sự liên kết giữa các tổ chức khoa học và doanh nghiệp cũng chưa chưa chặt chẽ, chủ yếu dựa vào quan hệ cá nhân. Hiện chưa mối liên kết nào có quy mô lớn gồm nhiều doanh nghiệp, nhà khoa học và tổ chức KH&CN với nhau.

Ông Phạm Văn Xu giới thiệu Chương trình NCKH và Phát triển công nghệ TP.HCM giai đoạn 2016 - 2020
Ông Phạm Văn Xu giới thiệu Chương trình NCKH và Phát triển công nghệ giai đoạn 2016 - 2020.

Trong giai đoạn tới, chương trình đặt mục tiêu tăng tỷ lệ số đề tài NCKH được ứng dụng trực tiếp vào thực tiễn lên 60%, phấn đấu có 5 sản phẩm trọng điểm mang thương hiệu thành phố; hình thành tối thiểu 2 tổ chức KH&CN tiên tiến mang tầm quốc tế và 300 doanh nghiệp KH&CN.

Để đạt được mục tiêu này, thành phố sẽ có những chương trình nghiên cứu, kế hoạch phát triển sản phẩm mục tiêu; hỗ trợ các hoạt động nghiên cứu và phát triển, sản xuất thử nghiệm sản phẩm mới, dự án khởi nghiệp, đào tạo nhân lực về KH&CN, hình thành các đơn vị thương mại hóa sản phẩm và khai thác tài sản trí tuệ,…

Cũng tại hội nghị, Sở KH&CN TPHCM thông báo Chương trình hỗ trợ nghiên cứu KH&CN. Chương trình không giới hạn lĩnh vực nghiên cứu nhưng tập trung ưu tiên các lĩnh vực cơ khí và tự động hóa, điện - điện tử và CNTT, hóa dược, công nghệ thực phẩm và công nghệ vật liệu, công nghệ sinh học, quản lý và phát triển đô thị. Trong đó, ưu tiên sản phẩm dịch vụ, giải pháp trực tiếp ứng dụng vào sản xuất và mang lại hiệu quả kinh tế, xã hội cao, có sự đồng đầu tư từ các nguồn khác.

Kinh phí hỗ trợ tối đa là 1 tỷ đồng đối với nhiệm vụ thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, KH&CN và tối đa là 500 triệu đồng đối với nhiệm vụ thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và nhân văn. Thời gian tiếp nhận hồ sơ bắt đầu từ ngày 1/3/2017.