Trong 2 tháng trở lại đây, nhiều người dùng Internet ở Việt Nam bị ảnh hưởng bởi tình trạng mạng chậm, tốc độ không ổn định do 4 trong số 5 tuyến cáp quang biển kết nối với Internet thế giới gặp sự cố.

Trong đó, 2 tuyến AAG và APG mất toàn bộ dung lượng, 2 tuyến IA và AAE-1 còn một phần đang hoạt động. SMW3 hoạt động bình thường.

Cáp quang biển có nhiều lớp gia cố, nhưng vẫn dễ dàng bị đứt hoặc sự cố đứt gãy do mỏ neo tàu thuyền mắc vào và rê đi, theo giải thích của Viettel Networks. Ước tính 2/3 các sự cố cáp quang biển là do hoạt động hàng hải của con người.

Cục Viễn thông, Bộ Thông tin và Truyền thông, cho biết để đảm bảo dịch vụ cho người dùng, các nhà mạng đã triển khai các phương án mua thêm dung lượng qua các tuyến cáp đất liền và ứng cứu lẫn nhau. Đến nay, các nhà mạng đã mở thêm 3 Tbps dung lượng kết nối qua các tuyến cáp qua Lào, Trung Quốc, Campuchia, dù phải chịu chi phí cao do mua dung lượng sử dụng ngắn hạn.

Các doanh nghiệp viễn thông cam kết từ ngày 10/2, tốc độ Internet được cải thiện. Tuy nhiên, theo thống kê của hai doanh nghiệp lớn là Viettel, VNPT, trong giờ cao điểm sáng ngày 12/2, dung lượng sử dụng thực tế của khách hàng lần lượt lên đến 96% và 94,95% so với khả năng đáp ứng của nhà mạng, do đó vẫn xuất hiện tình trạng nghẽn mạng giờ cao điểm. Các nhà mạng cho biết đang tiếp tục mở thêm dung lượng để đảm bảo dung lượng sử dụng không vượt quá 90%.

Các nhà cung cấp dịch vụ Internet Việt Nam đang khai thác 5 tuyến cáp quang biển SMW3, AAE-1, AAG, APG và IA. Trong đó, Viettel tham gia liên minh các nhà mạng xây dựng và vận hành AAG, VNPT tham gia liên minh APG.