Đại diện gia đình GS Lương Sỹ Cần đã trao tặng Trung tâm di sản các nhà khoa học Việt Nam nhiều tài liệu bao gồm bản thảo, thư từ, ảnh tư liệu... không chỉ giúp phản ánh cuộc đời, sự nghiệp của ông mà còn cho thấy quá trình phát triển của lịch sử chuyên ngành Tai Mũi Họng Việt Nam.

Nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất của ông, ngày 22/11 vừa qua, Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam đã phối hợp với Hội Tai Mũi Họng Việt Nam và Hội Tai Mũi Họng Hà Nội tổ chức Lễ tiếp nhận tài liệu kỷ vật của GS.TS Lương Sỹ Cần.

Buổi lễ có sự tham gia của Chủ tịch Hội Tai Mũi Họng Việt Nam - PGS Trần Phan Chung Thủy, Chủ tịch Hội Tai Mũi Họng Hà Nội - GS Nguyễn Đình Phúc, Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương - PGS Phạm Tuấn Cảnh cùng nhiều thế hệ đồng nghiệp, bạn bè, học trò của GS Lương Sỹ Cần. Ảnh: MEDDOM

Theo PGS.TS Phạm Tuấn Cảnh, Giám đốc Bệnh viện Tai Mũi Họng Trung ương: “GS Lương Sỹ Cần là một trong những người xây dựng và phát triển ngành Tai Mũi Họng nói chung, Bệnh viện Tai Mũi Họng nói riêng; là người định hướng phát triển về mặt khoa học kỹ thuật và con người để Bệnh viện Tai Mũi Họng và ngành Tai Mũi Họng phát triển được như ngày nay.”

GS.TS.BS Lương Sỹ Cần là người đầu tiên đưa một số kỹ thuật phẫu thuật tai vào Việt Nam, như: phẫu thuật tạo hình xương con, ứng dụng phương pháp vá nhĩ theo kỹ thuật kín để tạo hình tai giữa, phẫu thuật thay thế xương bàn đạp bằng Piston teflon. Ông cũng là người hoàn thiện và tiên phong sử dụng phương pháp vi phẫu thuật thanh quản phục hồi tiếng nói cho bệnh nhân dưới kính hiển vi.

Tại buổi lễ, PGS.TS Nguyễn Văn Huy, đại diện Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam, chia sẻ: "Có thể khẳng định GS.TS Lương Sỹ Cần là người học trò xuất sắc của GS Trần Hữu Tước. GS Lương Sỹ Cần hoạt động và để lại dấu ấn trong nhiều lĩnh vực như: bệnh lý về tai; tiền đình học; thanh khí phế quản và thực quản; nhiễm khuẩn đường hô hấp trên cấp tính. Từ những năm 1960, GS Cần là người đầu tiên thực hiện các ca phẫu thuật xương bàn đạp phục hồi sức nghe cho bênh nhân nghe kém vì bệnh xốp xơ tai."

Ông là tác giả của 52 công trình khoa học được công bố trên các báo, tạp chí trong nước và quốc tế. Những công trình tiêu biểu có thể kể đến như: Điều trị chóng mặt Ménière bằng phương pháp gây thẩm thấu (1973), Điều trị co thắt nửa mặt vô văn (1974), Vi phẫu thuật thanh quản (1974), Vá nhĩ theo lối mổ phối hợp (1975), Bệnh lý giải phẫu bệnh xốp xơ tai (1980), Ghép đồng chủng màng nhĩ xương con (1980).

Bên cạnh đó, ông còn dịch những tài liệu chuyên ngành để phục vụ hoạt động giảng dạy và đào tạo, như dịch cuốn sách Vi soi thanh quản và vi phẫu thuật nội thanh quản từ tiếng Đức sang tiếng Việt, tham gia dịch Từ điển Tai Mũi Họng 5 thứ tiếng sang tiếng Việt, tham gia dịch cuốn Khái luận về nhi khoa từ tiếng Anh sang tiếng Việt.

PGS Lương Hồng Châu, con gái của GS.TS Lương Sỹ Cần đại diện gia đình trao tặng hiện vật, tài liệu của cha cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam.

Nhân kỷ niệm 10 năm ngày mất của ông, gia đình ông đã tặng cho Trung tâm nhiều tài liệu, gồm các bản thảo, thư từ, văn bằng, giấy chứng nhận, lý lịch cá nhân…, đặc biệt là những tài liệu phản ánh quá trình học tập (giấy chứng nhận của Nha Trung học vụ, thẻ sinh viên, bằng tốt nghiệp đại học, đề cương thực tập sinh… từ những năm 50-60 của thế kỷ trước); một số bằng khen vì đã ứng dụng thành công các phương pháp phẫu thuật tai và thanh quản, giúp người bệnh nghe và nói được.

Bên cạnh đó, gia đình ông đã trao tặng tập hợp ảnh tư liệu về GS Lương Sỹ Cần trong việc phẫu thuật tai cũng như trong các công tác đào tạo, chỉ đạo tuyến và hợp tác quốc tế.

Là người có đóng góp quan trọng trong việc xây dựng và phát triển ngành Tai mũi họng ở Việt Nam, những tài liệu ông để lại sẽ giúp chúng ta hiểu hơn không chỉ về quá trình lao động khoa học nghiêm túc của GS Lương Sỹ Cần, mà còn giúp làm sáng tỏ các vấn đề chuyên môn trong thời gian tới.