Tỉ lệ phụ nữ các dân tộc thiểu số được đào tạo thợ tóc chuyên nghiệp miễn phí trong chương trình Làm đẹp để sống tìm được việc làm lên tới trên 85%.

Chương trình đào tạo này bao gồm các kỹ năng uốn, cắt, duỗi, nhuộm, gội đầu, massage, làm móng cùng với các buổi học ngoại khóa về dịch vụ chăm sóc khách hàng và quản lý tiệm tóc, do hãng mỹ phẩm L’Oreal hỗ trợ kỹ thuật và tài trợ tài chính.


Theo thông cáo báo chí của hãng L’Oreal Chương trình được triển khai tại các tỉnh miền núi phía Bắc từ đầu năm 2020 và dự tính sẽ đào tạo và cung cấp cho ngành tóc các tỉnh này hơn 350 thợ tóc có tay nghề cao và có mức thu nhập ổn định cao trong 2 năm thực hiện chương trình. Đối tượng chương trình đào tạo nghề tóc này là nam nữ thanh niên từ 16 tuổi trở lên có hoàn cảnh khó khăn, bà mẹ đơn thân, trẻ mồ côi, những phụ nữ không có công việc ổn định và có mức sống thấp, mong muốn thay đổi và ổn định cuộc sống với nghề làm tóc.

Trong tuần lễ giữa tháng 11, Chương trình đã trao bằng tốt nghiệp cho 80 học viên nữ thuộc các dân tộc của tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Thanh Hóa và Điện Biên. Tỷ lệ tốt nghiệp và có việc làm trong khóa đầu tiên tại Hà Giang đạt 92%, Điện Biên đạt 95% và Mường Tè, Lai Châu đạt 89%, Thanh Hóa đạt 85%. Trong đó có hơn 45% học viên mở tiệm tóc tại địa phương.

Chương trình đào tạo “Làm đẹp để sống – Sống để làm đẹp” của L’Oreal Việt Nam được triển khai tại Việt Nam vào giữa năm 2009 với mục tiêu giúp phụ nữ khó khăn thay đổi cuộc sống bằng nghề làm đẹp qua chương trình đào tạo chuyên sâu và thực tiễn. Hơn 2,500 phụ nữ sống trong điều kiện khó khăn, hoặc bị bạo hành, hoặc không nơi nương tựa, một mình nuôi con, các em gái bị sa vào bẫy buôn người, bị chà đạp nhân phẩm…, đã tìm lại được chính mình sau khi hoàn tất chương trình đào tạo nghề làm tóc của L’Oreal “Làm đẹp để sống – Sống để làm đẹp”. Hơn 11 năm triển khai, Chương trình cộng đồng đã được phát triển tại thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Bình, Vũng Tàu, trại giam Đông Sơn (Quảng Bình, Cần Thơ, Hậu Giang, Hà Giang, Yên Bái, Thanh Hóa, Lai Châu, Điện Biên… Đến nay đã có hơn 1,930 phụ nữ và thanh niên hoàn thành khóa học và trở thành thợ tóc và hơn 500 salon của học viên được mở trên khắp cả nước từ học viên của chương trình này.

Trước đó, từ năm 2013, tổ chức kiểm toán các chương trình xã hội độc lập của Pháp đã sang Việt Nam theo yêu cầu của tập đoàn để đánh giá về hiệu quả hoạt động của chương trình tại Việt Nam. Kết quả kiểm toán cho thấy mức thu nhập của học viên thay đổi từ 200 – 400% sau khi hoàn tất khóa học và sự phát triển về nghề nghiệp của các em ổn định và bền vững. Với kết quả thành công tại Việt N⁶am, tập đoàn L’Oreal chính thức công nhận và tuyên bố nâng chương trình của Việt Nam trở thành Chương trình Quốc tế, và triển khai dự án này đến các nước khác trên thế giới từ tháng 6/2015.