Khác với lầm tưởng của nhiều người nông dân rằng mức độ che phủ của rừng ngập mặn thấp (khoảng 30%) thi sẽ đem lại nhiều lợi nhuận.
Nghiên cứu mới của Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng kỹ thuật rừng ngập Minh Hải, Đại học Murdoch (Úc) và Đại học Quốc gia Úc đã cho thấy, duy trì độ che phủ của rừng ngập mặn ở mức 60% sẽ giúp tối ưu hóa lợi ích kinh tế cho các hộ nuôi tôm.
Dữ liệu khảo sát về 98 hộ gia đình ở Cà Mau chỉ ra, hệ thống nuôi trồng thủy sản rừng ngập mặn có tỷ lệ lợi ích - chi phí cao nhất, đạt từ 2,7 - 2,9. Trong khi đó, tỷ lệ này chỉ dao động từ 1,1 - 1,2 ở các trang trại nuôi tôm thâm canh và từ 1,7 - 1,8 ở trang trại nuôi tôm quảng canh truyền thống.
Quan trọng hơn, hệ thống này còn tạo ra nhiều lợi ích về môi trường, chẳng hạn như giúp giảm thiểu carbon, đồng thời thúc đẩy giảm biến đổi khí hậu và hỗ trợ bảo vệ đa dạng sinh học.
Kết quả nghiên cứu đã được công bố trong bài báo "Mangrove-shrimp farming: A triple-win approach for communities in the Mekong River Delta" (Nuôi tôm ở rừng ngập mặn: Đem lại ba lợi ích cho các cộng đồng ở ĐBSCL), xuất bản trên tạp chí Ocean & Coastal Management.
Mỹ Hạnh