Lần đầu tiên, một nghiên cứu đánh giá định lượng vể chất thải nhựa tích tụ dưới đáy các sông ở ĐBSCL Mekong cho thấy nguy cơ ảnh hưởng đến cá và các loài giáp xác như tôm, cua.
Đó là công trình “Features of the accumulation of macroplastic on the river bottom in the Mekong delta and the impact on fish and decapods” (Các đặc điểm của việc tích tụ chất thải nhựa trên các lòng sông ở ĐBSCL và tác động lên cá và các loài giáp xác) xuất bản trên tạp chí Environmental Pollution của TS. Cù Nguyên Định và các đồng nghiệp tại chi nhánh phía Nam của Trung tâm Nhiệt đới Việt - Nga.
Bằng việc lấy mẫu từ dưới đáy các dòng sông chảy qua ĐBSCL và phân tích trong phòng thí nghiệm, các nhà khoa học nhận thấy, lượng chất thải nhựa trung bình trong các mẫu ở mức 33,4 g/100 m2 nhưng lượng chất thải nhựa cao nhất tương tự như ở các quận đông dân của các thành phố lớn, lên tới 923,2 g/100 m2. Các nhà khoa học còn phát hiện ra sự biến thiên trong phân bố theo không gian và thời gian của chất thải nhựa: vào mùa mưa, lượng chất thải nhựa trên các nhánh sông, các khu vực ngập nước ven bờ cao hơn mùa khô trung bình 2,5 lần. Ở những nơi tích tụ nhiều chất thải nhựa lại là nơi thu hút nhiều sinh vật, đặc biệt là cá và tôm cua nên trong tương lai, có nguy cơ ảnh hưởng đến chúng.
Do đó, các nhà nghiên cứu cho rằng cần có những nghiên cứu thêm về những quá trình vận chuyển, tích tụ và ảnh hưởng của chất thải nhựa ở các sông lớn theo mùa cũng như các con đường hệ sinh thái dưới nước phơi nhiễm nhựa.
Anh Vũ