Thuốc bảo vệ thực vật sinh học chiết xuất từ nguyên liệu xoan Ấn Độ có khả năng diệt nấm, vi khuẩn, sâu bọ, côn trùng gây bệnh, đã được thử nghiệm trên rau, dâu tây, bơ, chôm chôm, hoa hồng thay cho các thuốc bảo vệ thực vật hóa học.

TS Dương Nguyễn Hồng Nhung, Khoa Công nghệ sinh học Trường Đại học Quốc tế TPHCM, đã nghiên cứu, ứng dụng công nghệ nano nhũ hóa để sản xuất thuốc bảo vệ thực vật sinh học chiết xuất từ nguyên liệu xoan Ấn Độ. Sản phẩm có khả năng diệt nấm, vi khuẩn, sâu bọ, côn trùng gây bệnh, thay thế thuốc bảo vệ thực vật hóa học.

Xoan Ấn Độ (neem) là loại cây sống ở miền nhiệt đới, được trồng nhiều ở Ấn Độ. Tại Việt Nam, loại cây này được trồng chủ yếu ở Ninh Thuận và Bình Thuận, với mục đích phủ xanh đất trống, cải tạo môi trường. Theo TS Nhung, cây neem sở hữu nhiều đặc tính ưu việt, hầu như tất cả các bộ phận của đều chứa chất có hoạt tính sinh học, nhiều nhất ở hạt và lá. Vì vậy, cây neem còn là nguồn nguyên liệu làm thuốc bảo vệ thực vật và sản xuất một số chế phẩm khác.

TS Dương Nguyễn Hồng Nhung giới thiệu về kết quả nghiên cứu của mình tại Hội thảo "
TS Dương Nguyễn Hồng Nhung giới thiệu về kết quả nghiên cứu của mình tại Hội thảo "Giải pháp nano thảo mộc trong sản xuất nông nghiệp" do Trung tâm Thông tin và Thống kê KH&CN tổ chức. Ảnh: HA

Từ hạt và lá neem, sau khi chiết xuất lấy tinh dầu, TS Nhung kết hợp với tinh dầu thảo mộc khác như tràm gió, xả, khuynh diệp,… và sử dụng công nghệ nhũ tương nano năng lượng thấp, kết hợp đặc tính đảo pha của chất hoạt động bề mặt theo nhiệt độ, cho ra các hạt dầu kích thước nano dưới 20nm, phân bố đều, bền theo thời gian và tan trong nước. Sản phẩm với tên gọi Triple Action Neem Nano có khả năng diệt khuẩn, chống nấm, đuổi, phòng trừ sâu bọ có hại và tăng sức đề kháng cho cây.

TS Nhung cho biết, kĩ thuật không quá phức tạp, tiết kiệm năng lượng và phù hợp với sản xuất ở quy mô lớn. Tuy nhiên, kích thước hạt là tối quan trọng, nó quyết định mùi của thuốc, độ thẩm thấu qua màng tế bào và da của sâu bọ. Vì vậy, sản phẩm ở dạng nano với tính thẩm thấu cao, sẽ mang lại hiệu quả tối ưu trong diệt trừ bệnh hại trên cây trồng. Với dược chất chính từ neem là Azadirachtin (AZA), nhóm nghiên cứu sử dụng công nghệ chân không phân đoạn và công nghệ tinh chế để điều chỉnh hàm lượng hoạt chất phù hợp với từng loại sâu bọ trên cây. Như bọ hà ở khoai lang cần AZA nồng độ 15 ppm, nhưng sâu khoang đục lá cần 10.000ppm AZA, trị bệnh tôm cua cá thì cần AZA có nồng độ từ 10.000 – 40.000ppm.

Sản phẩm
Sản phẩm Triple Action Neem Nano. Ảnh: KA

Sản phẩm có thể sử dụng theo cách phun tưới bằng tay hoặc ứng dụng công nghệ phun sương, kết hợp tưới ở các loại rau, dâu tây,… Sản phẩm đã được thử nghiệm trên một số cây trồng cho thấy, không sâu bệnh, trái đạt chuẩn xuất khẩu ở chôm chôm. Đối với cây bơ thì giảm các loại sâu ăn lá, xua đuổi và giảm bọ cánh cứng gây hại mà không ảnh hưởng đến ong và quá trình thụ phấn. Ở hoa hồng giảm được bọ trĩ, rầy nâu, rệp sáp, khắc phục rụng lá, bệnh phấn trắng và giảm trên 90% sâu rệp đối với các loại rau xanh.

TS Nhung cho biết thêm, ngoài sản xuất thuốc bảo vệ thực vật, dầu và các chiết xuất từ neem còn có thể sử dụng trong ngành dược mỹ phẩm với các sản phẩm có tính diệt trừ khuẩn như xà phòng, kem đánh răng, kem trị mụn, trị chàm,…

“Với mong muốn thay thế thuốc bảo vệ thực vật hóa học, bảo vệ môi trường và sức khỏe cho con người, chúng tôi mong muốn nhận được sự hợp tác của các đơn vị nghiên cứu, doanh nghiệp để tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện sản phẩm và thương mại hóa sản phẩm được rộng rãi” – TS Nhung chia sẻ.