“Nếu một nền KH&CN và ĐMST như một cơ thể thì các nhóm nghiên cứu mạnh như những tế bào. Muốn có một cơ thể khỏe khoắn, muốn phát triển thì từng tế bào phải lành mạnh, trong sáng, khỏe mạnh”, Thứ trưởng Trần Hồng Thái nhấn mạnh tại tọa đàm "Xây dựng các nhóm nghiên cứu xuất sắc".

Tại tọa đàm “Xây dựng các nhóm nghiên cứu xuất sắc” do Trung tâm Báo Khoa học và phát triển – Tia Sáng và Quỹ NAFOSTED đồng tổ chức ngày 13/5, GS.TS Trần Hồng Thái, Thứ trưởng Bộ Khoa học và công nghệ (KH&CN) đề cao vai trò của các nhóm nghiên cứu xuất sắc đối với tiềm lực KH&CN của đất nước, sự cần thiết của định hướng hỗ trợ phát triển các nhóm nghiên cứu xuất sắc và các nhà nghiên cứu trẻ.

Tọa đàm nằm trong chuỗi sự kiện chào mừng Ngày KH&CN Việt Nam 18/5 và 65 năm ngày thành lập Bộ KH&CN có sự tham dự của đại diện các đơn vị chức năng trực thuộc Bộ KH&CN, thu hút sự tham gia của hơn 30 nhóm nghiên cứu uy tín từ nghiên cứu cơ bản đến nghiên cứu định hướng ứng dụng và nghiên cứu ứng dụng công lập và ngoài công lập, ở nhiều lĩnh vực khác nhau.

Thứ trưởng Trần Hồng Thái phát biểu tại tọa đàm

Phát biểu chỉ đạo tại tọa đàm, GS.TS Trần Hồng Thái, Thứ trưởng Bộ KH&CN khẳng định, trong những năm gần đây, Đảng và Nhà nước luôn coi KH&CN và đổi mới sáng tạo (ĐMST) là động lực quan trọng cho sự phát triển của đất nước, với các từ khóa quan trọng như “phát triển dựa trên KHCN và ĐMST”, “kinh tế xanh”, “kinh tế số và kinh tế tuần hoàn” được nhắc đến thường xuyên trong các chỉ đạo điều hành của Đảng, Chính phủ. Song song với đó, trong khoảng 10 năm trở lại, nền KH&CN của nước nhà đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Tỷ lệ công trình công bố trên tạp chí quốc tế uy tín (bài báo quốc tế) tăng khoảng 20%, trung bình mỗi năm Việt Nam có khoảng 18.000 bài báo quốc tế, thể hiện tiềm năng, năng lực nghiên cứu của đất nước ngày càng phát triển, nằm trong các nước dẫn đầu về nghiên cứu của Đông Nam Á.

Các kết quả đáng khích lệ trên là cơ sở để nền khoa học nước nhà hướng tới những bước phát triển ở cấp độ cao hơn, trong đó có việc thúc đẩy phát triển mạnh mẽ các nhóm nghiên cứu xuất sắc. “Nếu một nền KH&CN và ĐMST như một cơ thể thì các nhóm nghiên cứu mạnh như những tế bào. Muốn có một cơ thể khỏe khoắn, muốn phát triển thì từng tế bào phải lành mạnh, trong sáng, khỏe mạnh”, Thứ trưởng Trần Hồng Thái nhấn mạnh.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của các nhóm nghiên cứu xuất sắc, trong các chương trình KH&CN cấp quốc gia, Bộ KH&CN không ưu tiên đầu tư, tài trợ cho các nghiên cứu chỉ đặt mục tiêu là công bố quốc tế, mà quan tâm đến việc nâng cao năng lực nghiên cứu cho các nhà khoa học trẻ tài năng. Một ví dụ minh họa là hiện nay tỉ lệ các nhà khoa học trẻ tham gia các đề tài của Quỹ NAFOSTED đã trên 50%, và Bộ KH&CN đang hướng tới mục tiêu tỉ lệ này đạt trên 70%. Bên cạnh đó, Bộ còn tập trung xây dựng các nền tảng cần thiết cho các nhóm nghiên cứu xuất sắc như đầu tư nghiên cứu dài hạn, tránh dàn trải, đồng thời chú trọng đến tính liên ngành của các lĩnh vực nghiên cứu.

Thứ trưởng cho biết, một số hướng nghiên cứu có ý nghĩa chiến lược sẽ được Bộ KH&CN ưu tiên trong thời gian tới là năng lượng nguyên tử, ứng dụng năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình; công nghệ bán dẫn; công nghệ sinh học; khoa học xã hội và nhân văn (KHXH&NV); y học; nông nghiệp. Trong mỗi lĩnh vực, đối với từng giai đoạn phát triển, Bộ KH&CN sẽ đưa ra những mục tiêu cụ thể và đồng hành với các nhóm nghiên cứu xuất sắc để thực hiện được các mục tiêu này.

Toàn cảnh tọa đàm

Tọa đàm lần này đã góp phần thể hiện thông điệp của lãnh đạo Bộ KH&CN trong việc đẩy mạnh các nhóm nghiên cứu xuất sắc – đây chính là sự kết nối lâu dài, duy trì sự ổn định để cho các cơ sở nghiên cứu có điều kiện tồn tại và phát triển trong tương lai. Bởi chỉ khi phát triển và duy trì được các nhóm nghiên cứu xuất sắc, các cơ sở nghiên cứu, các cơ sở giáo dục và đào tạo mới có thể phát huy tốt hơn nữa các hướng nghiên cứu, phát triển các mã ngành đào tạo phù hợp với xu thế của thời đại và đóng góp vào sự phát triển của đất nước.

Phát biểu tại tọa đàm, nguyên Thứ trưởng Bộ KH&CN Lê Đình Tiến nhận định, các ý kiến của các nhà khoa học tại tọa đàm rất hữu ích cho Bộ KH&CN trong việc xây dựng chính sách hỗ trợ các nhóm nghiên cứu xuất sắc nói riêng và thúc đẩy sự phát triển của nền KH&CN đất nước nói chung. Ông cho rằng cần thảo luận kỹ về các tiêu chí xác định nhóm nghiên cứu xuất sắc để xây dựng các tiêu chí cụ thể phù hợp với đặc điểm của từng ngành, từng lĩnh vực, ví dụ như ở cấp độ quốc gia, các nhóm nghiên cứu xuất sắc ở cấp độ này phải hướng tới giải quyết những vấn đề, thách thức ưu tiên, cấp bách và quan trọng của quốc gia.

GS.TS Pierre Darriulat, GS.TS Ngô Việt Trung, GS.TS Vũ Thị Thu Hà, GS.TS Phạm Hùng Việt phát biểu tại tọa đàm

Tại tọa đàm, các nhà khoa học đại diện cho một số nhóm nghiên cứu mạnh cũng trình bày về quá trình hình thành và phát triển của một số nhóm nghiên cứu mạnh, thông qua các trường hợp cụ thể như Trung tâm Nghiên cứu công nghệ môi trường và Phát triển bền vững (Trường ĐHKHTN, ĐH QGHN), Phòng Thí nghiệm Trọng điểm Quốc gia về Lọc hóa dầu (Bộ Công Thương), Trung tâm Nano và Năng lượng (Trường ĐH KHTN, ĐH QGHN), Trung tâm nghiên cứu Y học Việt - Đức, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cũng như thảo luận về sự phát triển của các nhóm nghiên cứu khối ngành KHXH&NV. Từ những vấn đề đã gặp phải trong thực tiễn, các nhóm nghiên cứu đã đề xuất một số kiến nghị liên quan đến cơ chế tài chính cho hoạt động tài trợ nghiên cứu khoa học, hỗ trợ cho các cơ sở nghiên cứu ứng dụng vượt qua “thung lũng chết” sau khi đã có sản phẩm có tiềm năng thương mại hóa, được bảo hộ sáng chế trong và ngoài nước.

Những đề xuất đó cho thấy cần phải có một chương trình quốc gia về phát triển nhóm nghiên cứu xuất sắc, theo bà Nguyễn Thị Thu Oanh, nguyên Phó Viện trưởng Viện Đánh giá khoa học và định giá công nghệ (Bộ KH&CN). Trong nhiều năm trước đây, Bộ KH&CN đã từng thảo luận và cử cán bộ đi học ở các quốc gia có nền KH&CN tiên tiến để học tập kinh nghiệm xây dựng và phát triển các nhóm nghiên cứu mạnh, nhưng vẫn chưa xây dựng được một chương trình tổng thể quốc gia. Bên cạnh sự cần thiết của chương trình này, các nhà hoạch định chính sách và cơ quan chức năng cần phải thảo luận chi tiết hơn về cách điều hành quản lý, đánh giá tuyển chọn, tài trợ, với các tiêu chí phù hợp, quy trình chặt chẽ, công khai, minh bạch nhưng tạo điều kiện tối đa cho các nhà nghiên cứu.

PGS.TS Nguyễn Trần Thuật, TS. Nguyễn Trọng Thế, GS.TS Hoàng Anh Tuấn, GS.TS Phạm Thành Huy phát biểu tại tọa đàm

Là một nhà khoa học có nhiều kinh nghiệm quản lý và điều phối các dự án nghiên cứu ở tầm thế giới tại Trung tâm hạt nhân châu Âu (CERN), giáo sư Pierre Darriulat (hiện làm việc tại Trung tâm Vũ trụ Việt Nam) cho rằng các nhà quản lý cần có chính sách thúc đẩy liên kết/làm việc nhóm, hỗ trợ cho các nhóm nghiên cứu với một cam kết dài hạn, đồng thời theo dõi, thúc đẩy sự hỗ trợ đó để các nhóm nghiên cứu phát triển tốt nhất có thể. Việc hỗ trợ các nhóm nghiên cứu này đòi hỏi một quy trình quản lý khoa học đặt lợi ích của cộng đồng khoa học lên hàng đầu. Ông cũng lưu ý, việc lấy ý kiến từ cộng đồng khoa học để theo dõi, đánh giá sự phát triển của các nhóm nghiên cứu này là rất quan trọng, và quá trình đánh giá này phải được thực hiện một cách minh bạch.

Phát biểu tổng kết tọa đàm, TS Phạm Đình Nguyên, Giám đốc Quỹ NAFOSTED cho biết đã ghi nhận ý kiến của các nhà khoa học tại tọa đàm phục vụ quá trình xây dựng và điều chỉnh các chính sách của Quỹ, trên cơ sở đó sẽ báo cáo Lãnh đạo Bộ KH&CN để đề xuất, tham mưu những chủ trương và chính sách phù hợp hỗ trợ các nhóm nghiên cứu xuất sắc trong tương lai.