Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chấp thuận phương án tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 thay vì Kỳ thi THPT Quốc gia như mọi năm, theo đó, các địa phương sẽ tổ chức kỳ thi với mục đích lấy kết quả để xét tốt nghiệp; việc tuyển sinh đại học, cao đẳng sẽ do các trường tự chủ.
Thủ tướng kết luận cuộc họp Thường trực Chính phủ chiều 22/4. Ảnh: VGP
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về phòng, chống Covid-19 chiều 22/4, đồng ý với phương án tổ chức Kỳ thi Tốt nghiệp THPT năm 2020 do Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Chủ tịch UBND tỉnh/thành phố chịu trách nhiệm toàn diện tổ chức kỳ thi này, đảm bảo trung thực, an toàn, chất lượng trong điều kiện có dịch bệnh.
Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm ban hành quy chế và hướng dẫn công tác thi tốt nghiệp THPT cũng như xét tuyển đại học, cao đẳng.
Nói về tuyển sinh đại học, cũng tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, cho biết, hiện nay có khoảng 10% trường tốp trên tự tổ chức thi; còn lại vẫn lấy theo kết quả kỳ thi này để xét tuyển và khoảng 25% các trường sẽ xét học bạ.
Với ý kiến cho rằng, như vậy việc thi sẽ quay lại giống như nhiều năm trước đây, Phó Thủ tướng khẳng định, nhiều năm trước, tất cả các trường đều tổ chức thi, còn bây giờ chỉ một số trường tốp đầu tổ chức thi. Các trường tốp giữa có thể liên kết với các trường tốp trên để lấy kết quả tuyển sinh - hoàn toàn đúng theo xu thế đổi mới đại học.
Cũng theo Phó Thủ tướng, trước đây việc vào đại học khó khăn hơn hiện nay; ở thời điểm này, các trường đại học đã có rất nhiều thay đổi. “Vừa rồi đã kiểm định, phân thành các nhóm trường; xếp hạng, uy tín trong xã hội của các trường đại học được ước lượng. Có những trường, kể cả xét học bạ cũng không ai đăng ký,” Phó Thủ tướng nói. “Các trường đại học có thể tuyển sinh thành nhiều đợt trong năm. Tuyển sinh không nhất thiết phải bằng điểm thi mà những em có năng khiếu đặc biệt cũng có thể được nhận.”
Xu hướng tương lai : Lập các trung tâm đánh giá chất lượng phổ thông
“Luật không đặt ra thi THPT quốc gia”, nhấn mạnh điều này, ông Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - cho rằng, tổ chức thi tốt nghiệp THPT là thực hiện đúng theo Luật Giáo dục 2019, để công nhận hoàn thành trình độ phổ thông, được cấp bằng tốt nghiệp THPT.
Ông Phan Thanh Bình cho biết, việc lãnh đạo địa phương phải chịu trách nhiệm về tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT tại địa phương mình chứ không phải Bộ GD&ĐT, cũng được ghi trong Luật.
Liên quan đến vấn đề tuyển sinh, theo ông Phan Thanh Bình, hiện nay khoảng 10% các cơ sở giáo dục đại học tốp trên đã có phương án tuyển sinh; một số cơ sở giáo dục đại học khác đồng thời đã công nhận phương thức đánh giá của những trường này. Ví dụ, ĐH Quốc gia TPHCM năm nay thực hiện đánh giá năng lực bằng một buổi thi trên máy tính rất nhẹ nhàng và hiện đã có 57 trường đại học đăng ký nhận sử dụng kết quả của trường này để tuyển sinh - ông Phan Thanh Bình cho hay. Bên cạnh đó, nhiều trường đại học có xu hướng kết khối lại, tuyển sinh theo cụm trường.
Tuy nhiên, theo ông Phan Thanh Bình, xu hướng tương lai sẽ là thành lập các trung tâm đánh giá chất lượng phổ thông, có thể thực hiện đánh giá nhiều đợt trong năm - hiện một vài đơn vị bắt đầu thực hiện việc này; đồng thời, một số trường đại học đã công nhận một số đánh giá của nước ngoài để xét tuyển.
Thi tốt nghiệp THPT trong 1,5 ngày
Theo đề xuất của Bộ Giáo dục và
Đào tạo, kỳ thi tốt nghiệp THPT dự kiến sẽ gồm 3 bài thi độc lập (Toán,
Ngữ văn, Ngoại ngữ) và 2 bài thi tổng hợp Khoa học Tự nhiên và bài thi
tổng hợp Khoa học Xã hội. Trong đó, bài thi KHTN gồm tổ hợp của 3 môn
Vật lí, Hóa học và Sinh học. Bài thi KHXH gồm tổ hợp của 3 môn Lịch sử,
Địa lí và Giáo dục công dân đối với thí sinh THPT; và gồm tổ hợp của 2
môn Lịch sử, Địa lí đối với thí sinh giáo dục thường xuyên. Thí sinh
THPT phải thi 3 bài thi bắt buộc Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi
tự chọn KHTN hoặc KHXH. Thí sinh giáo dục thường xuyên phải thi 2 bài
thi bắt buộc Toán, Ngữ văn và 1 bài thi tự chọn KHTN hoặc KHXH.
Trừ
môn Ngữ văn thi theo hình thức tự luận, các môn còn lại đều thi theo
hình thức trắc nghiệm khách quan; mỗi thí sinh trong cùng phòng thi có
một mã đề thi riêng; thí sinh làm bài thi trên Phiếu trả lời trắc
nghiệm. Kết quả làm bài của thí sinh trên phiếu được chấm bằng phần mềm
máy tính do Bộ Giáo dục và Đào tạo cung cấp.
Mỗi bài thi tổng hợp
được chấm chỉ với 1 đầu điểm (không có điểm các môn thành phần như đối
với bài thi tổ hợp trong kỳ thi THPT quốc gia những năm trước đây).
Kỳ thi được tổ chức trong 1,5 ngày với 3 buổi thi.
Kỳ
thi sẽ do UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì tổ chức
dưới sự chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Các tỉnh sẽ thành lập Hội
đồng thi để tổ chức thi và Hội đồng này sẽ chịu trách nhiệm tổ chức tất
cả các khâu của kỳ thi: in sao đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo,
công bố kết quả thi và xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Cán bộ coi thi
là giáo viên của tỉnh và có sự đổi chéo giáo viên coi thi giữa các
trường với nhau, bảo đảm giáo viên không coi thi học sinh của trường
mình.
Theo Vietnamnet
|
Nguồn tham khảo:
Bộ Giáo dục và Đào tạo