Việc lạm dụng kháng sinh trong nuôi tôm đã dẫn đến thiệt hại không nhỏ về mặt kinh tế cũng như nguy cơ sức khỏe cho người tiêu dùng. Vậy tại sao người nuôi tôm vẫn tiếp tục duy trì thói quen này? Liệu có phải họ thiếu kiến thức kỹ thuật, do vấn đề kinh tế hay xuất phát từ một nguyên nhân nào khác?
Để tìm câu trả lời, PGS. Vũ Hoàng Nam ở trường Đại học Ngoại thương cùng các nhà khoa học Nhật Bản đã tiến các các nghiên cứu thực địa từ năm 2012-2014, khảo sát những người nuôi tôm quy mô nhỏ ở khu vực miền Nam (Việt Nam), người thu mua, công ty chế biến và các nhà quản lý địa phương. Họ đưa ra các giả thuyết về lý do người dân tiếp tục sử dụng kháng sinh bị cấm trong nuôi tôm, đồng thời thiết kế các thử nghiệm đối chứng với ba biện pháp can thiệp: tổ chức hội thảo kỹ thuật, hỗ trợ kiểm tra dư lượng kháng sinh và thu mua tôm chất lượng cao với giá cao hơn.
Nhóm nghiên cứu nhận thấy, người nuôi tôm không tuân thủ các tiêu chuẩn do không có cách kiểm tra dư lượng kháng sinh, dẫn đến không nắm được thực tế là tôm đã vượt quá mức kháng sinh cho phép hay chưa. Do vậy, việc cung cấp các biện pháp xét nghiệm dư lượng kháng sinh có thể là một giải pháp hiệu quả để hạn chế lạm dụng kháng sinh trong chăn nuôi thủy sản ở các nước đang phát triển.
Các tác giả đã công bố kết quả trong bài báo “Reducing antibiotics use among smallholders: Experimental evidence from the shrimp aquaculture sector in Vietnam” trên tạp chí Aquaculture.
Thanh An