Đưa ra câu chuyện về xã Pa Ủ (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) với 94% hộ nghèo, chỉ có đất rừng cằn cỗi, không có đất ruộng, ông Trương Xuân Cừ - Phó trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc - cho rằng, nếu KH&CN không vào cuộc, vùng này sẽ không có gì để phát triển, cứ nghèo mãi.

Ý kiến này được chia sẻ tại hội thảo Ứng dụng công nghệ nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp trong bối cảnh hội nhập quốc tế do Bộ KH&CN, UBND tỉnh Thái Nguyên và Ban chỉ đạo Tây Bắc tổ chức. Đây là một hoạt động trong khuôn khổ sự kiện trình diễn, kết nối cung cầu công nghệ - TechDemo 2016.

Ông Trương Xuân Cừ cho rằng, để tăng đóng góp của KH&CN vào sự phát triển kinh tế, xã hội Tây Bắc, trước hết phải tập trung xác định xem khí hậu, thổ nhưỡng Tây Bắc xem từng tiểu vùng và từng tỉnh phù hợp với việc trồng cây gì, nuôi con gì để đạt hiệu quả kinh tế.

Ông Trương Xuân Cừ - Phó Ban chỉ đạo Tây Bắc phát biểu tại hội nghị.

“Lâu nay, cây trồng vừa dùng hóa chất mà năng suất lại không cao, chất lượng thì không đảm bảo, vậy sản phẩm cuối cùng bán cho ai? Bảo quản sản phẩm sau thu hoặc và công nghệ giống cũng là những vấn đề lớn không được bỏ qua. Ví dụ như các vùng cao sao không nghiên cứu loại lúa chịu được hạn, hay ăn vào không bị tiểu đường. Thậm chí người vùng cao thích uống rượu, hãy nghiên cứu giống lúa dùng để nấu rượu chất lượng tốt nhất. Để đạt được điều đó, không thể không đưa khoa học vào cuộc” – ông Cừ nhấn mạnh.

Cũng nói về việc xác định điều kiện tự nhiên của địa phương phù hợp với phát triển sản phẩm gì, Phó Ban chỉ đạo Tây Bắc dẫn một ví dụ: “Với hồ lớn như lòng hồ thủy điện Sơn La, Thác Bà, Na Hang, vùng Tây Bắc có lợi thế về thủy sản rất lớn. Một nhà đầu tư người Việt ở Nga từng nhận xét rằng, chỉ cần sử dụng 1/3 diện tích lòng hồ thủy điện Sơn La để nuôi cá tầm đen là đủ để cung cấp trứng cá tầm cho cả Châu Âu. Điều này nói thì dễ nhưng thực hiện được không đơn giản, KH&CN cần vào cuộc xem cần xây dựng mô hình như thế nào, làm trang trại ra sao, kỹ thuật nuôi trồng thế nào để đảm bảo cả chất và lượng”.

Theo ông Cừ, Tây Bắc nếu không có thủy sản, nông nghiệp thì không thể phát triển được, ngay cả công nghiệp cũng phải gắn với nông nghiệp, đó là chế biến nông lâm sản.

Nói về việc phát triển nông nghiệp trong bối cảnh hiện tại, ông Đoàn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên, cho biết: “Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, nông thôn Việt Nam có nhiều cơ hội thuận lợi để phát triển, song cũng phải đối mặt với nhiều thách thức, phát triển nông nghiệp bền vững, với việc xây dựng và phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị là hướng đi phù hợp”.

Do đó, theo ông Tuấn, việc ứng dụng các tiến bộ KH&CN, các kiến thức sản xuất tiên tiến hiện đại vào sản xuất nông nghiệp là hết sức cần thiết. Mối liên kết “4 nhà” giữa nhà nông – nhà nước - nhà khoa học và nhà doanh nghiệp cần chặt chẽ hơn nữa tạo niềm tin cho người sản xuất.