Doanh nghiệp cần phải thành lập bộ phận quản trị tài sản trí tuệ (TSTT) và coi như một phần không thể thiếu trong chiến lược kinh doanh. Đồng thời, mạnh dạn đầu tư vào TSTT, tạo ra thị trường hoàn toàn mới, ít có đối thủ cạnh tranh bằng những sáng chế độc quyền,…
Đó là những kinh nghiệm trong thương mại hóa TSTT được các đại biểu chia sẻ tại hội thảo “Hiệu quả thương mại hóa tài sản trí tuệ” do Sở KH&CN Tp.HCM tổ chức ngày 3/11 tại TPHCM.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Việt Thanh nêu rõ, trong chiến lược phát triển KT - XH giai đoạn 2011 – 2020, thì “phát triển KH&CN thực sự là động lực then chốt của quá trình phát triển nhanh và bền vững”. Đồng thời, cần phải “tập trung phát triển và khai thác TSTT”. Thực tiễn sản xuất đã khẳng định, việc phát triển TSTT không chỉ mang lại lợi thế cạnh tranh, uy tín và lợi ích kinh tế nhiều mặt cho doanh nghiệp, mà còn là động lực thúc đẩy hoạt động sáng tạo, đầu tư, góp phần tạo ra năng lực nội sinh và phát triển kinh tế bền vững. TSTT là một hàng hóa đặc biệt và chủ yếu trong thị trường KH&CN.
"Để phát triển TSTT thì không thể thiếu hoạt động thương mại hóa TSTT. Các hoạt động này cũng không thể tách rời hoạt động quản trị TSTT. Không những thế, quản trị TSTT còn phải trở thành một phần không thể thiếu trong chiến lược kinh doanh và gắn liền với hoạt động đổi mới, sáng tạo, đầu tư, sản xuất, thương mại... của doanh nghiệp" - Thứ trưởng nhấn mạnh.
Thứ trưởng Trần Việt Thanh cũng cho biết, trong những năm qua, Bộ KH&CN đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm phát triển thị trường KH&CN. Trong đó, chú trọng tới việc hỗ trợ doanh nghiệp tiến hành các hoạt động thương mại hóa TSTT nhằm đạt được những hiệu quả cao nhất. Đồng thời, thúc đẩy công tác đào tạo quản trị TSTT cho các doanh nghiệp, tổ chức KHCN và coi đó là nhiệm vụ mang tính cấp bách, lâu dài.
Theo TS Đào Minh Đức – Trưởng phòng quản lý SHTT (Sở KH&CN TPHCM), các doanh nghiệp thường gặp một số rủi ro về TSTT như làm thất thoát trong hoạt động sáng kiến; rò rỉ thông tin không tiết lộ và bí mật kinh doanh; sơ suất về SHTT và TSTT trong giao dịch hợp đồng;… Vì vậy, doanh nghiệp cần có bộ phận về quản trị TSTT.
Chia sẻ quan điểm này, ông Ngô Đức Hoàng – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch cũng đồng tình cần phải thành lập bộ phận quản trị TSTT từ sớm và thường xuyên theo dõi quá trình hoạt động để ghi nhận tài sản mới phát sinh và đăng ký bảo hộ kịp thời.
Cùng quan điểm này ông Văn Phú Hoàng Linh – Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần thương mại và đầu tư Vĩ Long dẫn thực tế từ chính công ty mình.
Theo ông Linh, trước đây Công tyCổ phần thương mại và đầu tư Vĩ Longkhông có Ban quản trị TSTT nên TSTT của Công ty đã bị bỏ lỏng khá nhiều. Sau khi thành lập, Công ty đã biết cách quản trị cho tất cả các đối tượng TSTT của mình và có những quy định rất rõ trong hoạt động quản trị TSTT. Sau khi chuyển giao công nghệ, đối tác cũng bắt buộc phải thực hiện những quy định này. Mạnh dạn đầu tư vào TSTT, tri thức truyền thống để cho ra sản phẩm là kinh nghiệm mà Công ty Vĩ Long đã kiên trì thực hiện trong nhiều năm qua và gặt hái được nhiều thành công – ông Linh chia sẻ.
Kiều Anh