Các nhà nghiên cứu ở Viện KH&KT hạt nhân (Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam) và đồng nghiệp Hàn Quốc đã theo dõi hàm lượng kim loại vết trong các hạt bụi mịn có trong không khí Hà Nội trong quãng thời gian từ tháng 4 đến tháng 9/2018.

Đó là một phần nội dung của bài báo “Trace element characterization and source identification of particulate matter of different sizes in Hanoi, Vietnam” xuất bản trên tạp chí Urban Climate.
Trong công trình này, họ chủ yếu quan tâm đến các hạt bụi ở ba phân khúc kích thước PM1 (đường kính dưới 1 μm), PM2.5 (2.5 μm) và PM10 (10 μm). Kết quả cho thấy nồng độ ở mức 40 μg/m3 ở PM1, 53 μg/m3 ở PM2.5, và 132μg/m3 với PM10. Điều này chỉ dấu mức ô nhiễm của bụi mịn Hà Nội ở mức cao. Trong thời gian lấy mẫu, điều kiện khí hậu ít ảnh hưởng đến nồng độ bụi, tuy nhiên nồng độ bụi PM1 chủ yếu là do vận chuyển đường xa từ các vùng phía bắc và đông bắc.

Khi phân tích 15 kim loại vết trong các mẫu bụi PM1, PM2.5 và PM10, hàm lượng các kim loại nặng như nhôm, kẽm, kali, crom và niken cao nhất và chủ yếu ở trong mẫu bụi PM1. Các nhà nghiên cứu cho rằng, các nhà máy luyện kim, nhiệt điện than, giao thông, đốt sinh khối và bụi đất là các nguồn đóng góp nhiều nhất các kim loại vết ở cả ba loại hạt bụi. Kết quả này cho thấy cần phải có nghiên cứu sâu hơn về nồng độ và thành phần hóa học của bụi PM1.