TS. Bùi Việt Dũng (Viện Dầu khí Việt Nam) và cộng sự tại Viện Địa chất và Địa vật lý biển (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam), ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN) đã có những phát hiện mới về sự tiến hóa của thềm Nam Trung Bộ ngoài khơi Bình Định ở thế Pleistocene – Holocene muộn thông qua các hồ sơ địa chấn có độ phân giải cao và lõi trầm tích.

Họ nhận ra rằng, mô hình địa tầng phân tập ở thế Pleistocene-Holocene muộn của khu vực nghiên cứu có thể được chia thành ba hệ: hệ thống biển lùi (RST), hệ thống biển tiến (TST), và hệ thống biển cao (HST). Trong đó, hệ thống biển lùi có tuổi địa chất cao nhất, dày nhất và có đặc điểm được lực biển lùi và trầm tích biển thấp; hệ thống biển cao có tuổi địa chất trẻ nhất và bị ảnh hưởng bởi các lớp bùn dày di chuyển lên thềm theo độ cao của mực nước biến thời kỳ giữa Holocene cho đến ngày nay.

Nghiên cứu cũng phát hiện ra Thế Pleistocene-Holocene muộn liên quan đến thay đổi mực nước biển là nhân tố chính kiểm soát sự tổ chức địa tầng của các hệ thống trong khu vực nghiên cứu. Sự hiện diện của cấu trúc sườn bãi biển tại độ sâu nước xấp xỉ 140 mét dưới mực nước biển hiện nay ở cực nam của khu vực nghiên cứu cho thấy vùng này đã có thời kỳ mực nước biển thấp trong quá khứ bởi đây có thể là một hệ quả của lún do tốc độ trầm tích cao. Sự tương tự của trầm tích giữa Bình Định và thềm biển của một số nơi khác trên thế giới cùng thời kỳ chỉ dấu có thể có cùng các nhân tố ảnh hưởng trong lịch sử địa chất các vùng này.

Đó là một số kết quả trong công bố “Sequence stratigraphy and evolution of the southern Central Vietnam Shelf during Late Pleistocene-Holocene” (Địa tầng phân tập và tiến hóa của thềm biển nam Trung Bộ trong Thế Pleistocene-Holocene muộn), được xuất bản trên Quaternary International.