Các trung tâm nghiên cứu trong bảy trường đại học hàng đầu Thụy Điển sẽ góp phần xây dựng các cầu nối với các công ty trong lĩnh vực khoa học vật liệu, khoa học sự sống, qua đó có thể đem lại lợi ích cho cả hai phía.

ĐH Công nghệ Luleå là một trong những trung tâm nghiên cứu về vật liệu mới của Thụy Điển.
ĐH Công nghệ Luleå là một trong những trung tâm nghiên cứu về vật liệu mới của Thụy Điển.

Thụy Điển hiện đang thiết lập một nền tảng đổi mới sáng tạo quốc gia cho khoa học vật liệu và khoa học sự sống để giúp các công ty có thể bước vào những cơ sở hạ tầng nghiên cứu như Cơ sở phóng xạ máy gia tốc Max IV và European Spallation Source (ESS), hiện đang xây dựng tại Lund. Các trung tâm nghiên cứu này sẽ được đặt trong bảy trường đại học của Thụy Điển với vai trò như những con đường dẫn đến các mối quan hệ hợp tác giữa các công ty với các trường và các cơ sở nghiên cứu khác. Điều này dẫn đến dự án Spirit, tên viết tắt của Các nền tảng Cơ sở hạ tầng nghiên cứu, đổi mới sáng tạo và công nghệ tiên tiến Thụy Điển, nơi có vai trò tư vấn cho các bên khác nhau trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo để đưa những phát hiện khoa học quan trọng nhất có thể vào thực tiễn.

“Các trường đại học nhận thấy dự án này cần được đưa vào hệ thống cơ sở hạ tầng nghiên cứu của chính họ, các phòng thí nghiệm của chính họ bởi nó có thể trở thành điểm bắt đầu cho sự thành lập của các công ty và kết nối với những cơ sở hạ tầng nghiên cứu lớn hơn”, Kinhult, người quản lí ESS nói.

Thông thường các công ty cần sự hỗ trợ về cơ sở hạ tầng của các trường đại học để thử nghiệm một ý tưởng công nghệ, một mô hình kinh doanh và tìm hiểu liệu một cơ sở hạ tầng nghiên cứu có hữu dụng không, theo Kristina Edström, giáo sư hóa vô cơ tại ĐH Uppsala và là thành viên của dự án Spirit.

Việc thiết lập sự kết nối này phải luôn được các nhà nghiên cứu trong trường, viện tâm niệm với việc hướng đến giới công nghiệp để có thể thay đổi một số lĩnh vực một cách nhanh chóng như chuyển đổi năng lượng và xử lý vật liệu trong mô hình kinh tế tuần hoàn.

Bắt đầu từ lưu trữ năng lượng

Trao đổi tại một hội thảo về tiềm năng của dữ liệu ở các cơ sở hạ tầng nghiên cứu, Edström coi các hệ thống lưu trữ năng lượng như một ví dụ điển hình. “Ngành công nghiệp đang chuyển động rất nhanh nên chúng tôi đang cảm thấy lo ngại là giới học thuật sẽ bị bỏ lại và điều này sẽ tạo ra một khoảng trống về những gì chúng ta đang làm trong phòng thí nghiệm với thực tiễn”, cô nói. Điều này có thể ảnh hưởng đến năng lực của các trường đại học trong đào tạo nguồn nhân lực thế hệ mới cho ngành công nghiệp.

“Chúng ta phải xây dựng một hệ sinh thái giữa cơ sở hạ tầng nghiên cứu, giới học thuật, và ngành công nghiệp theo một cách tốt nhất và đó chính là những gì mà chúng tôi hy vọng dự án Spirit sẽ dẫn đến”, cô nói.

Vào tháng sáu vừa qua, dự án Spirit đệ trình một đề xuất tới Vinnova và Chính quyền Thụy Điển về việc hoàn thiện hệ sinh thái này với một số lĩnh vực hành động chính:

Thứ nhất là chuyển giao tri thức với các nhà nghiên cứu hàn lâm kết hợp với ngành công nghiệp và lĩnh vực công thông qua các hội thảo, khóa đào tạo, sáng tạo ra các vật liệu mở với chương trình cấp học bổng nghiên cứu sinh.

Thứ hai, sự hỗ trợ cho những người sử dụng các cơ sở hạ tầng nghiên cứu, ví dụ thông qua các đối tác, tư vấn và các nhóm hợp tác. Các nhà nghiên cứu tại các trung tâm đặt ở các trường đại học sẽ cung cấp các hướng dẫn thực hành cho ngành công nghiệp và dẫn dắt thực nghiệm tại cơ sở hạ tầng nghiên cứu hoặc ở các mức khác nhau của môi trường bên ngoài cũng như phân tích dữ liệu.

Thứ ba là một mạng lưới quốc gia về chuyên gia và nguồn lực sẵn sàng cho ngành công nghiệp sử dụng và lĩnh vực công. Cuối cùng, tổ chức Spirit sẽ thành lập một diễn đàn trao đổi kinh nghiệm. Các trung tâm vùng, từ Bắc đến Nam, đặt tại ĐH Công nghệ Luleå, ĐH Umeå, ĐH Uppsala, ĐH Stockholm, ĐH Linköping, ĐH Công nghệ Chalmers và ĐH Lund.

Một phản hồi tích cực đã khích lệ họ, dù đệ trình về kinh phí vẫn còn đang được xem xét. Nhóm làm việc của dự án Spirit đang gấp rút chuẩn bị để xây dựng tổ chức Spirit, dự kiến vận hành từ tháng 1/2024.

Những khó khăn bước đầu

Theo lời Kinhult, có một số kết quả hứa hẹn mà dự án Spirit có thể chạm tới ở thời điểm đầu như các công ty liên quan đến vật liệu mới, với một số cơ sở hạ tầng có thể hỗ trợ tức thì. “Sử dụng nguồn neutron và các kỹ thuật khác là một cách để bắt đầu để tìm đường hiểu sâu về cả vật liệu và quá trình xử lý, từ các dạng khác biệt của phương pháp sản xuất cho cả vật liệu mới và cũ”.

Ngành công nghiệp dược phẩm đã được định hình nhưng hiểu biết và công nghệ dần lan rộng ra ở khía cạnh khoa học sức khỏe và sự sống. Kinhult cho rằng ESS có nhiều kỹ thuật và các kỹ thuật có thể áp dụng trên rất nhiều lĩnh vực, và hầu như không thể nói với mọi người tại sao nguồn neutron lại hữu dụng chỉ trong một câu”.

Vì vậy, nguồn neutron này sẽ phải trở thành một phần công việc của Spirit. “Chúng tôi sẽ cần đưa các dạng khác nhau của kỹ thuật đến càng nhiều người càng tốt và điều này sẽ mất rất nhiều thời gian”, Kinhult nói. “Chúng tôi sẽ không đủ nguồn lực để làm được điều này chỉ trong một ngày nhưng chúng tôi sẽ xây dựng nó một cách từ từ và chắc chắn. Chỉ thông qua quá trình làm việc với các công ty ngay tại cơ sở của chúng tôi, chúng tôi mới có điều kiện chứng tỏ những khả năng có thể của mình”.

Các công ty sẽ cần một mức chi phí phù hợp cho việc sử dụng các cơ sở hạ tầng nghiên cứu cũng như chi phí hỗ trợ trường đại học. “Thật khó cho các trường đại học tìm kiếm được tài trợ cho dạng hợp tác này”, Kinhult nói. “Chúng tôi sẽ cần các hệ thống khuyến khích để một giáo sư hoặc một nhà nghiên cứu có được hợp tác theo cách này”.

Điều quan trọng lúc này là thảo luận về sự gia tăng sử dụng cơ sở hạ tầng nghiên cứu của các công ty, trong khi các cơ sở hạ tầng cũng cần đảm bảo quyền sử dụng các thiết bị cho những nghiên cứu cơ bản, “những điều có thể hỗ trợ chúng tôi giải quyết những thách thức trong tương lai ở nhiều lĩnh vực”, Kinhult nói.

Spirit sẽ phải giải quyết những vấn đề này cho mọi cơ sở hạ tầng đang mong muốn tìm kiếm sự hợp tác với ngành công nghiệp. Ed Mitchell, người phụ trách phần phát triển thương mại ở Cơ sở máy gia tốc châu Âu (ESRF) tại Grenoble, từng trao đổi trong một hội thảo tổ chức ở ĐH Lund rằng, đây là một trong những thách thức bậc nhất trong nhiệm vụ của ông.“Nếu chúng tôi gặp khó trong việc hợp tác với công ty lớn như Total thì bản thân những nhân sự cấp cao ở đó lại không biết đến chúng tôi”. Tương tự, rất nhiều công ty lại không biết rằng một cơ sở như ESRF lại hữu dụng với họ. “Vì vậy chúng tôi cần nói với mọi người về những gì chúng tôi có thể làm được”, ông nói.

Tuy nhiên cũng có tín hiệu lạc quan. Ed Mitchell thấy có sự xuất hiện của các tổ chức trung gian, bên cạnh các trường đại học và các tổ chức nghiên cứu. “Chúng tôi đang xem xét các tổ chức trung gian đang bắt đầu xuất hiện, các công ty nhỏ có thể giúp kết nối các ngành công nghiệp, và đó là những gì chúng tôi trông đợi”.

Nguồn: sciencebusiness.net