Để tránh bị đánh cắp bí quyết kinh doanh, công cụ quan trọng và đầu tiên mà các doanh nghiệp khởi nghiệp phải có là bản quy chế hoặc cam kết bảo mật.
Đó là lời khuyên của TS Đào Minh Đức - nguyên Trưởng phòng Sở hữu trí tuệ, Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM tại khóa đào tạo Quản trị tài sản trí tuệ trong doanh nghiệp với chủ đề “Vận dụng các tài sản trí tuệ trong kinh doanh dành cho doanh nghiệp”.
Theo ông Đức, các startup ở Việt Nam khi bắt đầu khởi nghiệp thường ít quan tâm đến sở hữu trí tuệ, chủ yếu tập trung vào việc xây dựng ý tưởng và phát triển sản phẩm. Họ chỉ nghĩ đến sở hữu trí tuệ khi xảy ra tranh chấp, kiện tụng trong quá trình hoạt động.
Sử dụng công cụ sở hữu trí tuệ sẽ giúp các startup tránh được những nghiên cứu trùng lặp; quyết định chiến lược nghiên cứu và phát triển; lựa chọn đối tác nghiên cứu; tránh việc xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người khác;… Ngay từ khi hình thành giải pháp hoặc ý tưởng, startup cần chọn đăng
ký hình thức bảo hộ phù hợp, chẳng hạn như đăng ký bảo hộ sáng chế, đăng ký kiểu dáng, hoặc đăng ký nhãn hiệu hàng hoá, để làm cơ sở phát triển kinh doanh sau này - ông Đức nhấn mạnh. Bởi vậy, startup cần có năng lực nhận biết đối tượng sở hữu trí tuệ nào có khả năng sẽ được
tạo ra, quyền sở hữu và cách thức bảo vệ từng loại đối tượng sở hữu trí
tuệ tương ứng.
Đáp ứng đòi hỏi này, tại khóa đào tạo, học viên đã được trang bị các kiến thức về nhận biết các tài sản trí tuệ và quyền sở hữu trí tuệ trong doanh nghiệp; quyền tác giả phát sinh khi nào và cơ chế bảo hộ tác phẩm trong kinh doanh; cơ chế bảo hộ Thương hiệu và Nhãn hiệu; các tài sản trí tuệ được quản trị dưới dạng Kiểu dáng công nghiệp và Sáng chế; phương thức quản trị tài sản trí tuệ dưới dạng Bí mật. Đồng thời, các doanh nghiệp khởi nghiệp còn được hướng dẫn tổ chức quản trị tài sản trí tuệ trực tiếp tại doanh nghiệp theo yêu cầu.
Khóa đào tạo do Trung tâm Ứng dụng và Dịch vụ khoa học và công nghệ thuộc Cục Công tác phía Nam của Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức mới đây nằm trong Chương trình "Đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực
cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ" của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, theo đó học viên
được hỗ trợ 50% kinh phí đào tạo.
Bạn Lý Nguyễn Hồng Khanh đến từ Dự án Dây chuyền Sách chia sẻ, từ khi có ý tưởng, nhóm thực hiện Dự án phần lớn đều chưa có kiến thức gì về sở hữu trí tuệ. “Chúng tôi mải mê tìm ý tưởng và nghĩ cách làm sao thực hiện được ý tưởng của mình cho thành công mà ít nghĩ đến vấn đề sở hữu trí tuệ” - Khanh nói và cho biết, khóa học đã giúp bạn có ý thức hơn về vấn đề này trong quá trình khởi nghiệp của mình.
Thạch Thảo