Trao đổi bên lề buổi tọa đàm “Chắp cánh trí tuệ Việt Nam” vừa được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) tổ chức tại Hà Nội, ông Phan Ngân Sơn - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ - cho biết, Chương trình 68 giai đoạn 3 (2016-2020) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 1062/QĐ-TTg ngày 14/6/2016 nhằm nâng cao nhận thức của các tổ chức, cá nhân về tài sản trí tuệ trong hội nhập quốc tế, nâng cao năng lực của các chủ thể trong quá trình xác lập, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia.
Toàn cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Công Lý
Chương trình tập trung vào 4 mục tiêu chính: Thứ nhất, đào tạo nghiệp vụ cho khoảng 1.000 cán bộ có chuyên môn sâu về sở hữu trí tuệ là cán bộ viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp, tổ chức và cả các cá nhân mong muốn tham gia đào tạo.
Thứ hai, hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và bảo vệ tài sản trí tuệ, trong đó có bảo hộ sáng chế của Việt Nam, sáng chế của nước ngoài không được bảo hộ tại Việt Nam.
Thứ ba, hỗ trợ khai thác thương mại và phát triển tài sản trí tuệ, đặc biệt hỗ trợ khai thác, nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của các sản phẩm, dịch vụ được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; hỗ trợ thành lập và vận hành các doanh nghiệp, tổ chức khai thác, thương mại hóa tài sản trí tuệ.
Thứ tư, hỗ trợ ứng dụng các tài sản trí tuệ, thành quả sáng tạo cá nhân được hình thành từ thực tiễn, trong đó có hỗ trợ hoàn thiện, khai thác, áp dụng các tài sản trí tuệ và thành quả sáng tạo, đặc biệt là các tài sản trí tuệ, thành quả sáng tạo cá nhân có tính ứng dụng cao, khả năng áp dụng rộng rãi, mang lại lợi ích thiết thực cho xã hội, cộng đồng.
"Điểm đặc biệt là Chương trình 68 không chỉ giúp tư vấn mà còn giúp về tài chính trong đăng ký ra nước ngoài, như đối với các chỉ dẫn địa lý đòi hỏi chi phí lớn hay một số nhãn hiệu hàng hóa có giá trị" - ông Phan Ngân Sơn nói.