Trở thành nhà đầu tư thiên thần nghĩa là bạn phải chấp nhận rủi ro để đầu tư tiền cho một dự án chưa có hình hài, thậm chí cái tên vẫn còn thay đổi. Một thống kê cho thấy, nếu đầu tư tiền cho 10 dự án thì có 7 thất bại, 2 hòa vốn và 1 sản phẩm thành công sẽ mang lại lợi nhuận gấp 10.

Vậy ai nên trở thành nhà đầu tư thiên thần và làm sao để hạn chế rủi ro?

Quy định về nhà đầu tư thiên thần

Không phải bỗng nhiên nhiều đại gia trên thế giới lựa chọn trở thành nhà đầu tư thiên thần cho các startup thay vì đổ tiền vào bất động sản, chứng khoán... Nguyên nhân là, công việc này vừa thử thách lại vừa mới mẻ và nó giúp những nhà đầu tư có thể có được những sản phẩm thú vị, đột phá, trải rộng trên nhiều ngành công nghệ. Những dự án họ đầu tư thậm chí chưa được chứng minh hiệu quả hay còn ở dạng ý tưởng. Vì thế, đầu tư cho giai đoạn đầu vô cùng rủi ro.

Ông Tony Wheeler - cố vấn phát triển khởi nghiệp, nhà đầu tư, chuyên gia về đổi mới sáng tạo tại Australia chia sẻ kinh nghiệm tại nước mình. Theo đó, Australia có luật quy định các tiêu chuẩn để một người có thể được coi là nhà đầu tư thiên thần. Người đó phải có nền tảng tài chính vững chắc, có đủ kiến thức, kinh nghiệm và hiểu biết để ra quyết định và không đổ lỗi nếu việc đầu tư thất bại.

Một thống kê ở Úc về đầu tư thiên thần cho thấy, một nhà đầu tư thường “đổ tiền” cho 10 dự án cùng lúc. Trong đó, 7 dự án thất bại, 2 dự án hòa vốn và 1 dự án sẽ thành công, mang lại lợi nhuận gấp 10 lần. Để tìm kiếm dự án mang lại lợi nhuận, họ phải chấp nhận đầu tư vào nhiều đối tượng tiềm năng cùng lúc.

Ông Tony Wheeler chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp ở Australia. Ảnh: Thanh Tú

Ông Tony cho biết: “Thông thường, các nhà đầu tư thiên thần đầu tư số tiền khoảng 5.000 - 10.000 AUD/dự án. Tuy nhiên, để vận hành, các startup thường cần khoảng từ 50.000 - 100.000 AUD cho giai đoạn đầu. Vì thế, các startup sẽ kêu gọi nhiều nhà đầu tư cho dự án của mình. Đây là lý do ở Úc, một mô hình gồm từ 5-10 người gọi là ‘hợp tác xã đầu tư thiên thần” đã được hình thành. Những người này sẽ cùng nhau lắng nghe ý tưởng, sản phẩm và quyết định chung tay đầu tư cho startup”.

Với cách làm này, nếu dự án thất bại, mỗi nhà đầu tư sẽ không mất quá nhiều tiền. Đây được xem là cách để Australia giảm thiểu tối đa các rủi ro cho nhà đầu tư thiên thần. Ngoài ra, mỗi thành phố sẽ có một câu lạc bộ đầu tư riêng. Nếu dự án thú vị, hấp dẫn, mà các nhà đầu tư của một thành phố không góp đủ tiền, họ sẽ đến thành phố khác để thuyết phục khi đủ số tiền mong muốn.

Ngoài ra, sự kiện“startup weekend” cũng được tổ chức tại nhiều thành phố. Theo đó, chiều thứ 6 hằng tuần diễn ra startup pitching (trình bày ý tưởng) về dự án thuyết phục nhà đầu tư. Đến thứ 7, họ sẽ đi ra ngoài đường, tìm gặp những người đi trên đường và hỏi xem ai sẽ sẵn sàng chi tiền để dùng sản phẩm? Những dự án có càng nhiều khách hàng càng có thêm cơ sở để thuyết phục đầu tư.

“Ý tưởng thì nhiều nhưng bạn có đưa được nó ra thị trường hay không lại là chuyện khác” – ông Tony nhấn mạnh.

Thông thường, nhà đầu tư chọn một startup vì yếu tố con người chứ không phải vì sản phẩm. Bởi họ tin rằng, sản phẩm có thể thay đổi theo yêu cầu của thị trường và con người cần có đủ kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm để nắm bắt và phục vụ thị hiếu đó.

Theo ông Tony, các nhà đầu tư cần startup nắm được các con số liên quan đến sản phẩm như tỷ suất lợi nhuận, lượng sản phẩm bán ra, chi phí xây dựng... Đồng thời, mỗi đồng vốn của nhà đầu tư cần được startup sử dụng hợp lý, chi tiết.

“Chúng tôi gọi đó là smart money – đồng tiền thông minh. Đây là điều mà mọi nhà đầu tư vẫn luôn tìm kiếm ở startup” – ông Tony nói thêm.

Mô hình thí điểm sàn gọi vốn cộng đồng

Từ mô hình hợp tác xã đầu tư thiên thần của Úc và các mô hình gọi vốn của các dự án startup sử dụng công nghệ blockchain, bà Phan Hoàng Lan - đại diện Văn phòng Đề án 844 (Đề án Hỗ trợ Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo - Bộ Khoa học và Công nghệ) đã nêu ý tưởng và xin ý kiến các chuyên gia về việc xây dựng thí điểm sàn gọi vốn cộng đồng (equity-based crowdfunding). Theo bà Lan, cơ cấu tổ chức, cơ quan quản lý, công nghệ thực hiện cũng như quy định với các nhà đầu tư tham gia sàn vẫn đang gây nhiều tranh luận. Ngoài ra, đại diện Văn phòng 844 cũng cho biết, nhiều startup như Tomochain, Kyber Network… sẵn sàng hỗ trợ xây dựng platform cho sàn gọi vốn cộng đồng dựa trên nền tảng blockchain.

Ông Trịnh Minh Giang - Founder của Viet Management Consulting Group khẳng định, sàn gọi vốn cộng đồng là điều cần thiết với nhà đầu tư và startup Việt Nam trong thời điểm này. Nhiều nhà đầu tư rất muốn tìm kiếm startup để đầu tư nhưng lại không tìm được một dự án nào đủ hấp dẫn. Vừa phải bỏ vốn lớn, vừa phải dành thời gian để hiểu, định hướng cho dự án là điều khó với một nhà đầu tư đã quá bận rộn. Tuy nhiên, để kêu gọi nhà đầu tư bỏ một số tiền nhỏ để thử cảm giác đầu tư thì khá dễ dàng.

“Đây là thời điểm tốt để thử. Cái mà sàn gọi vốn cộng đồng cần là một hệ thống pháp lý quản lý minh bạch, rõ ràng để nhà đầu tư yên tâm bỏ tiền” - với kinh nghiệm vừa là startup, vừa là nhà đầu tư, ông Giang khẳng định.

Tuy nhiên, điều ông Giang băn khoăn là, nếu một sàn gọi vốn có từ một đến vài chục cổ đông thì được, nhưng nếu có 1000 cổ đông sẽ được coi là công ty đại chúng. Khi ấy, nhà nước sẽ áp dụng phương thức quản lý theo kiểu của một công ty đại chúng và khác hoàn toàn với việc quản lý một doanh nghiệp khởi nghiệp. Theo nghị định số 71/2017/NĐ-CP của Chính phủ, một công ty đại chúng phải tuân theo hướng dẫn về quản trị công ty áp dụng với công ty đại chúng, thực hiện các hoạt động về cổ động, đại hội cổ đông, báo cáo tài chính theo quy định. Điều này được cho là quá rườm rà và phức tạp với các startup cần bộ máy tinh gọn đang bắt đầu khởi nghiệp.

Một khó khăn khác được ông Trịnh Minh Giang đưa ra là nhận thức về đầu tư thiên thần ở Việt Nam chưa phổ biến. Ở nước ngoài, người có tiền dành 10% tài sản cho đầu tư mạo hiểm, 50% cho trái phiếu, bất động sản và các lĩnh vực khác. Tuy nhiên, ở Việt Nam, người có tiền thường ít khi đầu tư. Họ không hề có ý niệm về đầu tư mạo hiểm và cũng không biết phải làm thế nào.

“Dễ thấy, các nhà đầu tư thường quan tâm xem năm thứ 2, 3 đã chia lãi chưa? Thực tế, người có tầm nhìn cần nhìn rộng từ 5-10 năm. Số vốn ban đầu chỉ có ý nghĩa gieo hạt và sau mỗi giai đoạn phát triển, startup lại cần tiếp tục gọi vốn để mở rộng quy mô, thúc đẩy mô hình. Những người tôi quen biết khi đầu tư mạo hiểm ít quan tâm tới báo cáo tài chính mà chỉ nhìn vào con người. Nếu đó là người biết tiêu tiền, dám tiêu tiền thì nhà đầu tư sẽ chấp nhận chi tiền” – ông Giang nhấn mạnh.

Để vận động những người có tiền tham gia vào sàn gọi vốn cộng đồng, ông Giang cho rằng, cần có những hoạt động tập trung đào tạo, hướng dẫn, xây dựng hệ quy chuẩn cho sàn và giúp giảm thiểu tối đa rủi ro, bảo vệ quyền lợi cho nhà đầu tư.