Gần đây, ý thức đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp (SHCN) của các tổ chức, cá nhân trong nước tăng đáng kể.


Trong khi lượng đơn đăng ký sáng chế/giải pháp hữu ích của người Việt Nam không tăng trong năm 2016 thì lượng đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu lại tăng khoảng 15% so với năm 2015.

Dù vậy, không phải mọi doanh nghiệp đều có ý thức đăng ký quyền SHCN. Không ít doanh nghiệp rơi vào tình trạng tranh chấp như nhãn hiệu Bảo Xinh của Công ty TNHH Ngân Anh. Dù được bảo hộ nhưng nhãn hiệu này lại được sử dụng dưới hình thức tương tự cách trình bày của nhãn hiệu Bảo Xuân thuộc Công ty TNHH dược phẩm Ích Nhân.

Để tránh tình huống tương tự, doanh nghiệp nên đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho sản phẩm/dịch vụ mình cung cấp, sử dụng đúng nhãn hiệu đăng ký hoặc được tư vấn về SHCN trước khi tung ra thị trường.

Việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ còn tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển bền vững. Thông tin SHCN giúp họ biết hiện trạng phát triển của các lĩnh vực kỹ thuật liên quan, trên cơ sở đó phát triển sản phẩm, dịch vụ ở mức tiên tiến, cạnh tranh được với các sản phẩm cùng loại. Sử dụng thông tin SHCN, nguồn lực đầu tư sẽ được tập trung thích hợp, tránh rủi ro trong nghiên cứu triển khai, tận dụng được thành quả sáng tạo trên thế giới, tăng khả năng tạo ra sản phẩm có tính cạnh tranh cao.

Bằng cách đăng ký bảo hộ quyền SHCN, doanh nghiệp có lợi thế xuất phát trước các đối thủ trong thời hạn bảo hộ. Lợi thế độc quyền vừa ngăn đối thủ sử dụng, khai thác đối tượng đăng ký, vừa cho phép doanh nghiệp thu lợi nhờ sự độc chiếm thị trường. Tuy nhiên, chỉ những sản phẩm, dịch vụ dựa trên sáng chế mạnh hoặc có kiểu dáng bắt mắt, được thị trường ưa thích mới có thể đem lại lợi thế thương mại và lợi nhuận tài chính.

Các đối tượng quyền SHCN được bảo hộ cũng trở thành loại tài sản trí tuệ có thể chuyển giao, chuyển nhượng để thu lợi tài chính hay góp vốn đầu tư. Nhiều nghiên cứu cho thấy tài sản vô hình chiếm đến 3/4, có trường hợp chiếm 90% giá trị tài sản của doanh nghiệp. Vì thế, nếu bỏ qua việc tạo lập và phát triển các quyền sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp chắc chắn mất lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.