Cục Bảo vệ Thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành Quyết định số 59/QĐ-BVTV-KH, chỉ định Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng 3 (QUATEST3) là tổ chức chứng nhận hợp quy đối với phân bón theo phương thức 5 và 7, phù hợp với quy định tại nghị định 108/2017/NĐ-CP ngày 20/09/2017.
Ngoài hoạt động chứng nhận, QUATEST 3 còn được Cục Bảo vệ Thực vật chỉ định các phòng thử nghiệm bao gồm: Phòng thử nghiệp Hóa, Vi sinh, Phòng Sắc ký Quang phổ của Trung tâm Kỹ thuật 3 là phòng thử nghiệm ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn lĩnh vực phân bón. Bên cạnh đó các phòng thử nghiệm của QUATEST 3 còn được Bộ Y tế Lao động và Phúc lợi Nhật Bản công nhận Phòng thí nghiệm nước ngoài.
Ngày 13/8/2018, Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn đã ban hành Thông tư số 09/2018/TT-BNNPTNT bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến hoạt động đánh giá sự phù hợp như: thông tư 55/2012/TT-BNNPTNT, thông tư 16/2011/TT-BNNPTNT, thông tư 52/2012/TT-BNNPTNT, liên quan đến hoạt động chứng nhận và công bố hợp quy đối với sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.
Theo đó, đối với hoạt động chứng nhận hợp quy, từ ngày 27/09/2018, các tổ chức đánh giá sự phù hợp đã được chỉ định thực hiện hoạt động chứng nhận hợp quy phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo quy định tại Thông tư 28/2012/TT-BKHCN quy định về công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy và phương thức đánh giá đối với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật được sửa đổi bổ sung bởi Thông tư 02/2017/TT-BKHCN. Các giấy chứng nhận hợp quy đã cấp theo quy định tại Thông tư 55/2012/TT-BNNPTNN vẫn tiếp tục có hiệu lực đến hết thời hạn hiệu lực ghi trên Giấy này.
QUATEST3 là tổ chức chứng nhận hợp quy đối với phân bón theo phương thức 5 và 7. Đối với phương thức 5 sẽ đánh giá ban đầu tại nơi sản xuất, thử nghiệm điển hình, giám sát bằng cách đánh giá giám sát tại nơi sản xuất kết hợp với lấy mẫu tại nơi sản xuất hoặc trên thị trường hay cả hai để thử nghiệm mẫu. Phương thức này áp dụng cho việc đánh giá cả nơi sản xuất và sản phẩm kết hợp giám sát sau khi cấp chứng nhận. Đây là phương thức có độ tin cậy cao trong đánh giá chứng nhận, có tính hệ thống và cho phép áp dụng việc giám sát linh hoạt. Ngoài ra phương thức này cũng là cơ sở cho việc thừa nhận lẫn nhau về kết quả chứng nhận.
Phương thức 7 sẽ đánh giá lô hàng. Căn cứ vào kết quả thử nghiệm mẫu sản phẩm, hàng hóa được lấy để đưa ra kết luận về sự phù hợp, kết quả đánh giá chỉ có giá trị cho lô sản phẩm, hàng hóa đó.
Hà Thanh