Nhận định ứng dụng khoa học công nghệ trong ngành giao thông vận tải còn chậm so với nhu cầu, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho rằng thách thức này cần phải được giải quyết trong thời gian tới nếu muốn phát triển nhanh hơn.


Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông phát biểu khai mạchội thảo “Tàu điện ngầm Grand Paris - Đường sắt cao tốc - Đô thị thông minh: Những ví dụ cụ thể cho tương lai Việt Nam” ngày 23/10 tại Hà Nội.

Cơ hội trao đổi kinh nghiệm về xây dựng giao thông thông minh

Hôm nay, ngày 23/10/2018, tại Hà Nội, Công ty Tractebel thuộc Tập đoàn Engie (Cộng hòa Pháp) và Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải (GTVT) chủ trì, phối hợp với Hội Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) và Đại học GTVT tổ chức hội thảo “Tàu điện ngầm Grand Paris - Đường sắt cao tốc - Đô thị thông minh: Những ví dụ cụ thể cho tương lai Việt Nam”.

Hội thảo này nhằm tạo cơ hội cho các bên cùng tham gia trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế về chủ đề tàu điện ngầm, đường sắt cao tốc và đô thị thông minh, tạo ra mạng lưới trao đổi các kiến thức và kinh nghiệm quốc tế về các dự án trong lĩnh vực này với Việt Nam; đồng thời tìm kiếm cơ hội hợp tác về nghiên cứu, chuyển giao công nghệ, hỗ trợ thực hiện các dự án trong điều kiện phù hợp với thực tiễn ở Việt Nam.

Trong phát biểu khai mạc hội thảo “Tàu điện ngầm Grand Paris - Đường sắt cao tốc - Đô thị thông minh: Những ví dụ cụ thể cho tương lai Việt Nam” ngày 23/10, cho biết đường sắt nội đô, giao thông thông minh là những lĩnh vực Việt Nam đang tập trung xây dựng, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông nhận định, chủ đề hội thảo rất trúng, ý nghĩa và quan trọng với ngành giao thông vận tải Việt Nam trong giai đoạn tới.

Hội thảo “Tàu điện ngầm Grand Paris - Đường sắt cao tốc - Đô thị thông minh: Những ví dụ cụ thể cho tương lai Việt Nam” là hội thảo đầu tiên trong loạt 6 hội thảo và diễn đàn quốc tế sẽ được AVSE Global phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức tại Việt Nam từ ngày 23/10 đến 3/11/2018.

Nhấn mạnh GTVT là một trong những ngành được nhà nước hết sức quan tâm, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông cho biết, những năm vừa qua, sự quan tâm đó được thể hiện bằng việc bố trí nguồn lực, tập trung cao độ cho phát triển và hạ tầng GTVT nằm trong hạ tầng kinh tế xã hội được đánh giá là 1 trong 3 khâu đột phá cho phát triển trong Chiến lược phát triển của Việt Nam các giai đoạn. Cũng chính nhờ có sự quan tâm đó, đã đạt được những kết quả nhất định, đó là những hạ tầng giao thông lớn, hiện đại đã dần được đầu tư, đưa vào khai thác như các tuyến đường bộ cao tốc ở 3 miền Bắc-Trung-Nam; các sân bay được nâng cấp, cải tạo; các cảng biến lớn đã và đang được đầu tư, đưa vào khai thác.

Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng cho hay, đánh giá chung tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đang rất chậm, chưa đáp ứng được sự phát triển, tăng trưởng của nhu cầu vận tải. Đây là một trong những thách thức rất lớn cho ngành GTVT, nếu nhìn vào con số phát triển, tăng trưởng của vận tải hằng năm khoảng 10% và phát triển, tăng trưởng của xe cộ khoảng 15%, có những lĩnh vực phát triển rất nóng như tăng trưởng vận tải hàng không lên tới 17%/năm. “Chúng tôi cho rằng hạ tầng giao thông hiện nay chưa theo kịp được nhu cầu phát triển về vận tải”, Thứ trưởng nói.

Vấn đề huy động nguồn lực cũng là một thách thức lớncho GTVT Việt Nam. Mặc dù với quan điểm của Nhà nước là đẩy mạnh huy động nguồn lực từ tất cả các thành phần kinh tế: nhà nước, khối tư nhân, kết hợp hình thức đối tác công-tư; tuy nhiên kết quả đạt được mới chỉ ở bước đầu và đang còn tiếp tục xây dựng hành lang pháp lý để việc huy động nguồn lực cho phát triển hạ tầng giao thông tại Việt Nam được tốt hơn trong tương lai.

Cùng với hạn chế, tồn tại trong việc kết nối giữa các phương thức vận tải để giảm chi phí vận tải, đóng góp cho việc giải chi phí logistic ở Việt Nam, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cũng chỉ rõ: “Ứng dụng khoa học công nghệ còn chậm so với nhu cầu, bước tiến phát triển chung của Việt Nam cũng như phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải nước ta. Đây là thách thức mà chúng tôi cho rằng cần phải tiếp cận, giải quyết cũng như thúc đẩy trong thời gian tới nếu chúng ta muốn đi nhanh hơn, đi tắt hơn và tiến thẳng vào hiện đại, với biến động của thế giới nói chung về chia sẻ dữ liệu, ứng dụng dụng CNTT trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra trên toàn cầu”.

Ngành GTVT sẽ chú trọng sử dụng các công nghệ mới

Cũng tại hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Đông đã chia sẻ những định hướng của ngành GTVT trong thới gian tới.Cụ thể, theo Thứ trưởng, bên cạnh các định hướng tập trung phát triển những hạ tầng lớn, hiện đại, có sức lan tỏa (các cảng hàng không quốc tế lớn như cảng Long Thành, nghiên cứu phát triển đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam…); tổ chức hoạt động vận tải trong điều kiện hạ tầng chưa phát triển đồng bộ nhằm giảm chi phí vận tải, Bộ GTVT cũng xác định rõ cần phải đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ.

“Chúng ta cần phải đi tắt, sử dụng nhiều các công nghệ mới cũng như phải mạnh dạn xây dựng các cơ sở dữ liệu, chia sẻ thông tin để tiếp cận được với thế giới cũng như là hiệu quả nhất khi khai thác các hệ thống kết cấu giao thông vận tải, kết nối với các hệ thống của những lĩnh vực khác trong xã hội”, Thứ trưởng chia sẻ.

Trong khuôn khổ hội thảo ngày 23/10, các chuyên gia đến từ Công ty Tractebel thuộc tập đoàn Engie, AVSE Global, Đại học Công nghệ GTVT, Đại học GTVT, Viện Trí tuệ nhân tạo Việt Nam… đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm tập trung vào 3 chủ đề Tàu điện ngầm - Đường sắt cao tốc - Đô thị thông minh, với các tham luận như: hướng tới giao thông bền vững và thông minh tại Việt Nam; giới thiệu dự án tàu điện ngầm Grand Paris Express - những bài học và kinh nghiệm quốc tế; giám sát thông minh trong hệ thống giao thông thông minh và các thành phố thông minh; các công cụ ứng dụng trong phát triển đô thị thông minh và phát triển bền vững...

Hội thảo “Tàu điện ngầm Grand Paris - Đường sắt cao tốc - Đô thị thông minh: Những ví dụ cụ thể cho tương lai Việt Nam” là hội thảo đầu tiên trong loạt 6 hội thảo và diễn đàn quốc tế sẽ được AVSE Global phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức tại Việt Nam trong thời gian từ nay đến ngày 3/11/2018, với mục đích đưa tri thức, các kinh nghiệm quốc tế và công nghệ cao vào phục vụ cho sự phát triển của đất nước. Loạt 6hội thảo và diễn đàn AVSE Global tham gia tổ chức bao trùm các lĩnh vực trọng yếu với Việt Nam như đô thị thông minh, kinh tế số, năng lượng sạch, tài chính ngân hàng, quản lý và chính sách công... với sự tham gia của đại diện các bộ, ngành cùng các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực của họ ở các tổ chức và doanh nghiệp lớn trên thế giới như ĐH Harvard, ĐH Kyoto, ĐH Fulbright, trường kinh tế Paris, ĐH Nanyang, World Bank, OECD, Công ty Tractebel - Tập đoàn Engie…