Việc một doanh nghiệp thiệt hại 3 triệu USD do lốc xoáy đánh hỏng con tàu chở khách du lịch năm 2014 và phá sản sau đó bị là hậu quả của việc doanh nghiệp không có sự chuẩn bị cần thiết, hợp lý cũng như kế hoạch phòng ngừa, ứng phó với rủi ro thiên tai.
Đó là chia sẻ của bà Trần Thị Hạnh – Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Khải Thịnh tại Cuộc thi tìm hiểu "Biến đổi khí hậu (BĐKH) và quản lý rủi ro thiên tai trong doanh nghiệp (DN)" dành cho sinh viên đại học TP.HCM do Trung tâm Hỗ trợ Phát triển DN vừa và nhỏ 2 (SMEDEC2) thuộc Bộ KH&CN tổ chức, nhằm cung cấp thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, tìm hiểu về BĐKH và quản lý rủi ro thiên tai trong các DN vừa và nhỏ tại Việt Nam.
Hoạt động này nằm trong khuôn khổ Dự án "Tăng cường mối quan hệ đối tác Nhà nước và tư nhân trong quản lý rủi ro thiên tai và ứng phó của cộng đồng tại Việt Nam" do Quỹ Châu Á (The Asia Fondation) tài trợ, được SMEDEC2 thực hiện từ năm 2013 đến nay. Tại cuộc thi, các đội tham gia nhiều vòng thi như trả lời câu hỏi đố vui; thuyết trình về quản lý rủi ro thiên tai của DN; BĐKH và DN; tài năng ca hát, diễn kịch... thể hiện kiến thức về BĐKH và quản lý rủi ro thiên tai.
Bà Nguyễn Thái Thùy Hoa – Trưởng phòng đào tạo SMEDEC2 - cho biết, mục đích của dự án là hỗ trợ các DN vừa và nhỏ trong việc nâng cao nhận thức về quản lý và ứng phó với rủi ro thiên tai, tăng cường sự cộng tác giữa các DN và cộng đồng trong việc quản lý và ứng phó với rủi ro thiên tai tại miền Nam và miền Bắc, cũng như nâng cao nhận thức của sinh viên về BĐKH và quản lý rủi ro thiên tai.
Theo bà Hoa, đây là một trong những dự án đầu tiên và thành công nhất về việc tập trung hỗ trợ cho khu vực DN trong việc ứng phó với BĐKH và giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Qua những buổi hội thảo, tập huấn, đào tạo, DN có thể biết cách duy trì và tiếp tục sản xuất kinh doanh sau thiên tai; bảo vệ con người, tài sản, thông tin và khách hàng, trong tình huống hỗn độn khi thiên tai xảy ra, khi các lực lượng bên ngoài không thể tiếp ứng được…
Dự án đã tổ chức thành công 86 khóa đào tạo cho khoảng hơn 2.100 học viên đến từ hơn 1.200 DN vừa và nhỏ trên cả nước. Qua đó, nhiều DN đã có sự chuyển biến tích cực trong việc nhận thức về biến đổi khí hậu, về tầm nhìn, hiểu rõ ý nghĩa việc chủ động phòng chống rủi ro thiên tai tại chính doanh nghiệp. Sau khóa đào tạo, đã có nhiều Công ty triển khai ngay việc xây dựng và phê duyệt kế hoạch phòng chống thiên tai như Công ty May xuất khẩu Thái Bình, May xuất khẩu Ninh Bình, Giấy Saigon, Nước giải khát Chương Dương…. Nhiều DN cũng đã sẵn sàng đầu tư nguồn lực để chủ động bảo vệ và giảm thiểu thiệt hại trước BĐKH và thiên tai.
Tuy nhiên, không như các tỉnh miền Trung, nhiều DN tại miền Nam vẫn “bình chân” do được thiên nhiên ưu đãi, các chủ DN cho rằng BĐKH, phòng chống rủi ro thiên tai là chuyện của các cấp chính quyền và nó nằm ở tầm vĩ mô nên không quan tâm.
"Thiên tai không chừa một ai, ở bất cứ đâu, vì vậy các DN cần chuẩn bị tốt cho việc phòng ngừa, ứng phó khẩn cấp với rủi ro thiên tai để giảm thiệt hại cho mình và cộng đồng. Nếu không may bị ảnh hưởng, tổn thương thì hãy hành động quyết liệt để phục hồi và tái thiết, nhanh chóng ổn định sản xuất và tiếp tục phát triển" – bà Hạnh chia sẻ.