Triển lãm quốc tế lần thứ 12 về công nghệ xử lý, chế biến, đóng gói bao bì sẽ diễn ra từ ngày 21-23/3 tại TPHCM, song song với Triển lãm quốc tế về công nghệ thử nghiệm, chế biến, chiết rót, đóng gói và nguyên liệu ngành dược, mỹ phẩm (Pharmatech Vietnam 2017).
Triển lãm quốc tế lần thứ 12 về công nghệ xử lý, chế biến, đóng gói bao bì - Propak Vietnam 2017 - sẽ trưng bày, giới thiệu tại 380 gian hàng những máy móc, công nghệ hiện đại đến từ 28 quốc gia như Ấn Độ, Đan Mạch, Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan…
Đó là các công nghệ, thiết bị về đóng nhãn, in ấn, đóng gói bao bì co giãn, xử lý chất thải, chế biến và đóng gói thịt, hệ thống làm lạnh, đóng gói mỹ phẩm, thiết bị sản xuất bánh kẹo, công nghệ và nguyên liệu đóng gói bao bì PET, nhựa….
Trong đó, có thể kể đến công nghệ tự động hóa dạng “Cabinet-free” để loại bỏ một số linh kiện điều khiển bên trong tủ điện nhằm tiết kiệm không gian và lượng dây kết nối; công nghệ nền tảng mở cho phép kết nối trực tiếp đến hệ thống điều khiển tự động hóa; máy đóng gói bao bì tự động 330 gói/phút; máy dò kim loại trong chế biến thực phẩm…
Ông Trần Việt Dũng - Phó Giám đốc Công ty tổ chức triển lãm VCCI - cho biết, trong những năm gần đây, chế biến và đóng gói bao bì là ngành công nghiệp phát triển mạnh ở Việt Nam, với mức tăng trưởng trung bình khoảng 15-20%/năm. Nhu cầu hàng tiêu dùng, thực phẩm đóng gói, đồ uống đóng chai… ngày càng tăng cao dẫn đến sự gia tăng các sản phẩm bao bì. Tuy nhiên, do công nghệ chưa phát triển nên công nghiệp bao bì nói chung và ngành sản xuất, thiết kế, in ấn bao bì nói riêng chưa tạo ra nhiều giá trị và lợi nhuận. Hai thị trường tiềm năng là bao bì dược phẩm và thực phẩm - đồ uống đang bị các công ty nước ngoài chi phối.
Trong bối cảnh đó, theo ông, ngành công nghiệp bao bì Việt Nam nếu muốn tăng trưởng sẽ phải đối đầu với những thách thức lớn về công nghệ, đòi hỏi các doanh nghiệp phải tăng cường hiện đại hóa thiết bị, ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất để có thể tự mình đứng vững trên thị trường.
Kiều Anh