Ngày 10/3, tại hội nghị gặp gỡ đầu năm ngành Công nghệ thông tin - Viễn thông (CNTT-VT) do Sở Thông tin Truyền thông TPHCM tổ chức, sở đã đặt hàng doanh nghiệp trong nhiều lĩnh vực nhằm xây dựng thành phố thông minh, hiện đại.

Xây dựng chính quyền điện tử; ứng dụng CNTT phục vụ người dân, doanh nghiệp (DN) và các vấn đề bức xúc liên quan đến an sinh cuộc sống của dân; Tham gia tạo hệ sinh thái khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo;…là những nội dung mà TPHCM đặt hàng các DN đề xuất các dự án cụ thể để triển khai thực hiện Đề án “Xây dựng TP.HCM trở thành đô thị thông minh giai đoạn 2017 – 2020” được ông Lê Quốc Cường – Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM đưa ra tại buổi gặp gỡ ngành CNTT – Viễn thông năm 2017 do Sở TT - TT TP.HCM tổ chức ngày 10/3.

TPHCM xác định một trong những nội dung trọng tâm của xây dựng đô thị thông minh là cải cách hành chính gắn với xây dựng chính quyền điện tử. Năm 2017, chính quyền TPHCM định hướng thúc đẩy xã hội hóa nhiều chương trình ứng dụng CNTT. Trong đó, Sở TT - TT trực tiếp đặt hàng các vấn đề với doanh nghiệp. Trong dự án, bên cạnh giải pháp kỹ thuật, các DN cần đề xuất các giải pháp tài chính, trong đó chú trọng huy động các nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước - ông Cường cho biết thêm.

Ông Trương Vĩnh Tuyến gặp gỡ, trao đổi với các DN CNTT
Lãnh đạo TPHCM gặp gỡ, trao đổi với các DN CNTT.

Ông Trần Vĩnh Tuyến - Phó Chủ tịch UBND TPHCM - khẳng định, CNTT là giải pháp cần thiết để xây dựng thành phố thông minh. TPHCM mong muốn sự đóng góp của các DN Việt Nam, nhất là các giải pháp kỹ thuật như xây dựng Trung tâm dữ liệu nguồn mở, xây dựng Trung tâm an ninh mạng. TPHCM sẽ hướng tới hình thành sàn giao dịch, triển lãm để kết nối DN giới thiệu và phát triển sản phẩm của mình. Ngoài ra, TPHCM sẽ có tiêu chí, tiêu chuẩn cụ thể từng lĩnh vực, từ đó DN phát triển các giải pháp để kết nối, khai thác chung.

Trong khi đó, theo ông Nguyễn Văn Được - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Thuế Trọng Tín - để làm được điều đó, các cơ quan nhà nước, phòng ban nên coi mình như một DN và từng bước áp dụng CNTT vào công tác quản lý, điều hành đơn vị. Đồng thời, công khai những thủ tục nhất định cho người dân, DN theo dõi, kiểm tra, giám sát. Đặc biệt, làm sao có thể họp giao ban, báo cáo thông qua thương mại điện tử sẽ là lợi thế lớn cho cơ quan, ban ngành tại TPHCM trong điều kiện địa bàn rộng, phải quản lý khối lượng công việc lớn như hiện nay. Đây là nhu cầu cấp thiết cần xét để thực hiện sớm, bởi TPHCM ngày càng phát triển từ 170.000 DN hướng tới 500.000 DN, trong khi nguồn lực con người ngày càng hạn chế và khó có thể tăng do áp lực ngân sách - ông Được kiến nghị.

Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở KH&CN TPHCM thì cho rằng, chính quyền thành phố phải có vai trò thuyền trưởng, hợp tác với khu vực tư để có quy chuẩn rõ ràng từ kiến trúc đến các chuẩn giao tiếp, dữ liệu. Nhà nước phải công bố rõ những “chuẩn” này để các DN, hiệp hội tham gia. Nếu các DN cứ giới thiệu các giải pháp này, giải pháp kia theo kiểu “trăm hoa đua nở” như hiện nay thì hiệu quả chỉ nhỏ giọt vì không thể tích hợp, chia sẻ dữ liệu. Theo ông Dũng, phải làm sao liên kết được các DN với chính quyền và khu vực trường học. TPHCM không nên làm lại những gì mà người khác đã làm, mà nên dành thời gian để làm những cái cho riêng mình hoặc làm những cái tốt hơn.

Tại buổi gặp gỡ, các doanh nghiệp, hiệp hội cũng trình bày một số giải pháp ứng dụng trong xây dựng đô thị thông minh như: Ứng dụng công nghệ máy bay không người lái; giải pháp số hóa tài liệu; nhà kho dữ liệu tập trung trực tuyến cấp thành phố; giải pháp số hóa trong quản lý thu gom vận chuyển rác; hệ thống quản lý xử lý chất thải thông minh;…