Cộng hòa Kiribati, Cộng hòa Maldives, Cộng hòa Vanuatu, Tuvalu… là những quốc gia có nguy cơ biến mất do biến đổi khí hậu do Active Sustainability thống kê.

Biến đổi khí hậu Trái Đất là sự thay đổi của hệ thống khí hậu gồm khí quyển, thủy quyển, sinh quyển, thạch quyển hiện tại và trong tương lai bởi các nguyên nhân tự nhiên và nhân tạo trong một giai đoạn nhất định từ tính bằng thập kỷ hay hàng triệu năm.

Nguyên nhân chính làm biến đổi khí hậu Trái Đất là do sự gia tăng các hoạt động tạo ra các chất thải khí nhà kính, các hoạt động khai thác quá mức các bể hấp thụ và bể chứa khí nhà kính như sinh khối, rừng, các hệ sinh thái biển, ven bờ và đất liền khác.

1. Cộng hòa Kiribati. Là quốc đảo có khí hậu nhiệt đới nằm ở vùng trung tâm Thái Bình Dương. Đất nước này có tổng cộng 32 đảo san hô vòng và 1 đảo san hô cao, trải trên diện tích khoảng 3,5 triệu km2. Hiện tại, Kiribati có nguy cơ bị biến mất vĩnh viễn do mực nước biển dâng lên trung bình 1,2cm/năm, cao hơn gấp 4 lần so với mức trung bình toàn cầu.

2. Cộng hòa Maldives. Quốc đảo gồm nhóm các đảo san hô tại Ấn Độ Dương. Maldives nằm ở phía Nam quần đảo Lakshadweep thuộc Ấn Độ, cách khoảng 700 km phía Tây Nam Sri Lanka. 26 đảo san hô của Maldives bao vòng quanh lãnh thổ gồm 1.192 đảo nhỏ. Tương tự như Kiribati, Maldives cũng đang phải đối mặt với nguy cơ xóa sổ khỏi bản đồ thế giới do mực nước biển dâng lên.

3. Cộng hòa Vanuatu. Đảo quốc gồm quần đảo vùng Melanesia thuộc Tây Nam Thái Bình Dương. Quần đảo này phía Đông giáp Australia, Đông Bắc giáp Nouvelle-Caledonie, phía Tây gần Fiji và phía Nam cạnh quần đảo Solomon. Vanuatu đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi mực nước biển dâng lên kèm theo lốc xoáy.

4. Tuvalu (quần đảo Ellice). Đảo quốc thuộc phía Nam Thái Bình Dương, nằm giữa bang Hawaii (Mỹ) và Australia. Diện tích Tuvalu bao gồm các đảo đá ngầm, san hô và vùng rừng rậm chỉ rộng khoảng 26 km2. Hiện quốc đảo này đang chịu ảnh hưởng của lượng khí thải cùng sự nóng lên toàn cầu.

5. Quần đảo Solomon. Là đảo quốc của người Melanesia, nằm ở phía Đông Papua New Guinea, bao gồm gần 1.000 đảo nhỏ trải dài trên một diện tích khoảng 28.400 km2. Các chuyên gia cảnh báo, quần đảo Solomon có nguy cơ biến mất khỏi bản đồ thế giới do sự ấm lên toàn cầu.

6. Nhà nước Độc lập Samoa. Là quốc gia nằm ở phía Tây quần đảo Polynesia, cách New Zealand 2.740 km về phía Đông Bắc và cách Fiji 720 km cũng về phía Đông Bắc. Gồm 9 đảo lớn nhỏ, trong đó Upolu và Savai’i (Savaii) là 2 đảo chính. Samoa đang phải đối mặt với tình trạng xói mòn và xâm chiếm bờ biển.

7. Cộng hòa Nauru. Đảo quốc tại Micronesia thuộc Nam Thái Bình Dương với diện tích 21 km2. Nó là quốc gia nhỏ nhất tại Nam Thái Bình Dương, nhỏ thứ 3 trên thế giới về diện tích (sau Thành Vatican và Công quốc Monaco). Nauru có nguy cơ bị nhấn chìm bởi hiện tượng băng tan.

8. Quần đảo Fiji. Là đảo quốc tại châu Đại Dương, thuộc phía Nam Thái Bình Dương, phía Tây Vanuatu, phía Đông Tonga và phía Nam Tuvalu. Đảo quốc này bao gồm 322 đảo, trong đó có 2 đảo chính là Viti Levu và Vanua Levu. Hiện tại, Fiji đang phải đối mặt với tình trạng nước biển dâng nhanh.

9. Quần đảo Marshall. Là đảo quốc nằm gần xích đạo trên Thái Bình Dương. Nước này có biên giới đường biển với Liên bang Micronesia về phía Đông, đảo Wake về phía Bắc, Kiribati về phía Đông Nam và Nauru về phía Nam. Đây là nơi cư ngụ của trên 29 rạn san hô vòng, gồm 1.156 đảo và đảo nhỏ. Cũng giống như Fiji, Marshall cũng đang phải đối mặt với tình trạng nước biển dâng nhanh.