Một đề tài thuộc Chương trình phát triển KH cơ bản trong lĩnh vực hóa học, khoa học sự sống, khoa học trái đất và khoa học biển giai đoạn (2017 – 2025) hứa hẹn sẽ mang lại chế phẩm men vi sinh probiotic giúp cải thiện hệ vi sinh vật đường ruột và tăng cường hệ miễn dịch.
Đó là đề tài “Nghiên cứu đánh giá vai trò cải thiện tích cực hệ vi sinh vật đường ruột và tăng cường miễn dịch của chế phẩm probiotic” (ĐTĐL.CN-61/19) do TS. Hoàng Văn Vinh (Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học, ĐHQGHN) làm chủ nhiệm.
Đề tài thu hút 12 thành viên tham gia, trong đó có các nhà nghiên cứu ở Viện Công nghệ mới, Viện KH&CN Quân sự, Học viện Quân y, Viện Dinh dưỡng Quốc gia.
Trong vòng 36 tháng (từ tháng 12/2019 đến tháng 11/2022), sau được gia hạn thêm, các nhà nghiên cứu đã phân lập được năm chủng probiotic trong nước, lập hồ sơ theo chuẩn quốc tế; khảo nghiệm đánh giá mức độ an toàn và tác dụng của chế phẩm probiotic trên động vật thí nghiệm; đánh giá khả năng kích thích và tăng trưởng của chế phẩm probiotic trên mô hình động vật thí nghiệm; đánh giá tác dụng trong hỗ trợ điều trị bệnh nhiễm khuẩn đường tiêu hóa trên người; lập dữ liệu meta genomic về vai trò của chế phẩm trong cải thiện hệ vi sinh vật đường ruột, ức chế nhóm vi sinh vật gây bệnh.
Qua đề tài, các nhà nghiên cứu ngoài phân lập, tuyển chọn năm chủng lợi khuẩn đáp ứng tiêu chí của WHO-FAO có tiềm năng ứng dụng trong sản xuất chế phẩm probiotic, còn hoàn thiện quy trình sản xuất chế phẩm đa chủng dạng ở quy mô bán công nghiệp, sản xuất hai chế phẩm dạng đóng lọ BacMix, LacMix đáp ứng tiêu chí về an toàn thực phẩm của Bộ Y tế và làm phong phú thêm dữ liệu khoa học về tiềm năng ứng dụng các chủng vi sinh vật ở Việt Nam.
Các nhà nghiên cứu đã công bố kết quả nghiên cứu trên ba bài quốc tế (ISI/Scopus), hai bài trong nước, đào tạo một tiến sĩ, một thạc sĩ.
Đề tài được nghiệm thu trong tháng 7/2024.
Đăng số 1302 (số 30/2024) KH&PT
Thanh Hương