Theo báo cáo mới của Ban Nông nghiệp và Thực phẩm toàn cầu thuộc World Bank, nông nghiệp Việt Nam là lĩnh vực phát thải cao thứ hai, chiếm khoảng 19% tổng lượng phát thải quốc gia (vào năm 2020).
Trong đó, khoảng một nửa (48%) lượng khí thải của ngành nông nghiệp và hơn 75% lượng khí mê-tan phát ra từ quá trình canh tác lúa gạo, loại cây lương thực được canh tác trên 54% diện tích đất.
Báo cáo chỉ ra, các nguyên nhân chính của tình trạng này là do sử dụng nước kém hiệu quả trong công tác tưới tiêu, mật độ gieo sạ rất cao cùng với việc sử dụng nhiều phân hóa học, quản lý chưa đúng cách trong khâu sau thu hoạch như rơm rạ và trấu, và sử dụng năng lượng kém hiệu quả trong nông nghiệp.
Đồng thời, Báo cáo đánh giá các giải pháp nông học và các giải pháp khác để đưa ra phương hướng khả thi về mặt kinh tế cũng như kỹ thuật trong việc thúc đẩy sản xuất lúa carbon thấp nhằm góp phần thực hiện những cam kết của Việt Nam về giảm phát thải khí nhà kính toàn cầu. Trong đó, Báo cáo nhấn mạnh việc kết hợp hình thức tưới khô ướt xen kẽ (AWD) và kỹ thuật Một phải Năm giảm (1M5R) với các công nghệ bổ sung - bao gồm các công nghệ kỹ thuật số.
Tuy nhiên, theo Báo cáo, chi phí cho việc chuyển đổi sang sản xuất lúa gạo carbon thấp là khá cao, dao động từ khoảng 110 USD/ha đến 3890 USD/ha, tùy thuộc vào mục tiêu giảm phát thải từ mức thấp đến net-zero (phát thải ròng bằng 0) vào năm 2030. Nhưng lợi ích ròng đem lại cũng cao và tích cực trong trung và dài hạn do những lợi ích từ việc tăng năng suất nông nghiệp, tính bền vững và khả năng cạnh tranh.
TT