Các dân tộc thiểu số sống ở các vùng sâu vùng xa thường được dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu do các nguồn sinh kế có liên quan chặt tới điều kiện môi trường, đất đai.
Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn ít đánh giá về tính dễ tổn thương, khả năng thích ứng của các dân tộc thiểu số, đặc biệt là ở miền núi Trung Bộ. Nghiên cứu “Livelihood vulnerability to climate change: Indexes and insights from two ethnic minority communities in Central Vietnam” của các nhà nghiên cứu tại Đại học Huế, đăng trên tạp chí Environmental Challenges, tháng 1/2023, đã điều tra khảo sát, đánh giá tính dễ bị tổn thương của các cộng đồng dân tộc thiểu số Pa Cô và Cơ Tu ở Thừa Thiên Huế.
Nghiên cứu khảo sát hơn 230 hộ gia đình, phân tích các chỉ số về khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu (gồm nhân khẩu học gia đình, chiến lược sinh kế, kiến thức, kỹ năng, mạng lưới xã hội) cho thấy trong hai năm qua, các hộ gia đình đã chịu 12 loại hình thiên tai khác nhau. 4 loại phổ biến nhất là nhiệt độ cao (75,86%), rét đậm (71,98%), bão nhiệt đới (52,58%) và mưa lớn (70,68%). Tỉ lệ nghèo cao, lối canh tác nông nghiệp năng suất thấp, sử dụng nước mưa, không sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật càng khiến các hộ gia đình này dễ tổn thương hơn khi chịu thiên tai, biến đổi khí hậu.
BN