Đây là một trong những mục tiêu của Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Chiến lược) vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành, theo Quyết định 899/QĐ-TTg.

Chiến lược cũng đặt mục tiêu đến năm 2030, định hướng đến năm 2050 duy trì tỷ lệ nhân tài thu hút vào làm việc ở các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước không dưới 20% so với tổng số các trường hợp tuyển dụng mới hàng năm. Phấn đấu đạt 100% nhân tài (được công nhận) tiếp tục ở lại làm việc sau năm năm được thu hút và trọng dụng làm việc tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị của Nhà nước; tỷ lệ nhân tài được đào tạo, bồi dưỡng trong lĩnh vực khoa học - công nghệ đạt 30% vào năm 2025; đạt 60% vào năm 2030 để tiến tới đạt 100% vào năm 2050.

Để đạt được mục tiêu này, Chiến lược đặt ra nhiều yêu cầu có tính toàn diện, trên nhiều khía cạnh như đổi mới chương trình đào tạo, bồi dưỡng trong các ngành, lĩnh vực theo hướng phát triển tối đa năng lực, phát triển những năng khiếu chuyên biệt, năng lực nổi bật của nhân tài; tạo môi trường học tập và làm việc thuận lợi, có tính thử thách và rèn luyện nhân tài; cho đến nâng cao năng lực của các cơ sở đào tạo, tăng cường năng lực cho các đơn vị sự nghiệp công lập…

Để thực hiện mục tiêu này, Bộ Nội vụ sẽ chủ trì xây dựng Nghị định về chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài. Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định thu hút, trọng dụng, đào tạo, bồi dưỡng nhân tài hoạt động khoa học và công nghệ (bao gồm cả người Việt Nam ở nước ngoài và chuyên gia nước ngoài tham gia hoạt động khoa học và công nghệ tại Việt Nam); Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan xây dựng đề án thiết lập và phát triển mạng lưới chuyên gia, nhà khoa học Việt Nam toàn cầu; Rà soát, đề xuất cơ chế, chính sách ưu đãi về vốn, thuế và các ưu đãi đối với nhân tài hoạt động trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.