Mặc dù đã phát triển với số lượng hội viên ngày càng lớn - có khoảng 2,2 triệu trí thức, Liên hiệp hội địa phương thành lập ở tất cả 63 tỉnh, thành phố, tạo thành hệ thống đầy đủ từ Trung ương đến địa phương nhưng hoạt động của Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) vẫn tập trung vào “chiều rộng” hơn là “chiều sâu”.
Và trong thời gian tới, VUSTA phải tập trung vào khẳng định vị thế, tiếng nói của mình trong việc thực hiện các nhiệm vụ tư vấn, giám định, phản biện các vấn đề xã hội lớn lao.
Đó là những nội dung chính được quan tâm thảo luận tại Diễn đàn "Vai trò, trách nhiệm của Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật Việt Nam trong sự phát triển đất nước" do VUSTA tổ chức ngày 8/11.
Các đại biểu tham dự Diễn đàn. Ảnh: VUSTA.
Với tổng số trên 3,7 triệu hội viên, trong đó có khoảng 2,2 triệu trí thức (tăng 1,4 triệu trí thức so với năm 2010), có mạng lưới từ trung ương tới địa phương với hệ thống Liên hiệp hội địa phương được thành lập ở tất cả 63 tỉnh, thành phố (tăng 8 tỉnh so với năm 2010), VUSTA đã thực sự trở thành tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn trong cả nước. VUSTA triển khai được nhiều hoạt động tư vấn phản biện, giám định xã hội, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ, phổ biến kiến thức, bảo vệ môi trường, phát triển cộng đồng, thúc đẩy các phong trào sáng tạo, tôn vinh trí thức, hợp tác quốc tế về KH&CN. Hình ảnh của VUSTA cũng gắn liền với các hoạt động tôn vinh trí thức, như tôn vinh 112 trí thức tiêu biểu ngày 2/11 vừa qua, các Giải thưởng Sáng tạo Khoa học và Công nghệ Việt Nam (VIFOTEC); Cuộc thi Sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc thường kỳ…
Tuy nhiên, theo TS Phạm Văn Tân, Phó Chủ tịch VUSTA, bên cạnh những nội dung đóng góp ở trên, các thành viên của VUSTA cần thảo luận, đánh giá lại về vai trò, hoạt động của hội, rút ra những nguyên nhân khiến hoạt động chưa được hiệu quả cũng như đưa ra các kiến nghị với Đảng, Nhà nước để “có thể làm tốt hơn nữa sứ mệnh đã được chỉ đạo yêu cầu và để xã hội đặt niềm tin vào VUSTA”.
Chính vì vậy, hội viên có nhiều năm hoạt động dưới mái nhà VUSTA như Kỹ sư Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam thảo luận chủ yếu vào những hạn chế để cùng tìm hướng giải quyết hơn là nói lại về thành tích đã đạt được. Theo ông, hoạt động tư vấn phản biện là rất quan trọng, làm lợi cho đất nước về kinh tế nhưng nhiều vấn đề quan trọng của đất nước như ô nhiễm môi trường, sử dụng đất dai, sử dụng vốn nhà nước… mà VUSTA còn chưa tư vấn phản biện hiệu quả. Nhìn một “khách quan và thẳng thắn”, vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém như tỉ lệ hiệp hội hoạt động có hiệu quả không cao (tổng thể chỉ 30-40% số hiệp hội hoạt động hiệu quả). Đơn cử, trong Tổng hội của ông cũng chỉ có 30-35% hội hoạt động có hiệu quả. Thậm chí, các Hiệp hội ở trung ương cũng có khá nhiều đơn vị tê liệt. Nguyên nhân quan trọng nhất dẫn tới tình trạng đó là các đơn vị đang hoạt động theo dạng "ba không": không kinh phí, không trụ sở, không biên chế. Cơ chế chính sách chưa hoàn toàn ủng hộ, cụ thể là Luật về Hội không được thông qua, dự thảo Luật về Hội vừa trình Quốc hội hoàn toàn mang tính chất là luật quản lý Nhà nước về Hội chứ không đưa cơ chế về hoạt động Hội. “Mặt khác, ta phát triển nhanh về số lượng hội viên nhưng số người thực sự tâm huyết không nhiều, không ít hội viên đánh trống ghi tên”, ông Hùng nói.
Do đó, ông Trần Ngọc Hùng cho rằng, cần đổi mới việc tập hợp các nhà khoa học giỏi trong công tác Hội, tập hợp các chuyên gia theo các khối ngành, lĩnh vực; không tiếp tục để hoạt động tư vấn phản biện chỉ được thực hiện theo yêu cầu của các cơ quan Chính phủ. Song song với đó, ông kiến nghị là nhà nước cần phải “buông”, chuyển các dịch vụ xã hội cho các tổ chức xã hội thực hiện - đó là biểu hiện của một Chính phủ kiến tạo.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học môi trường Quốc hội Lê Hồng Tịnh đánh giá cao vai trò của VUSTA, bởi nhiều dự án luật cũng đã tham khảo ý kiến của VUSTA. Ông đồng tình với đề nghị nhà nước để các hiệp hội tham gia vào các dịch vụ công song song với lộ trình giảm chi ngân sách cho hiệp hội tới đây. Đây là lộ trình cần thiết, bởi vì “để cho xã hội, liên hiệp thì đâu phình biên chế đến mức độ như hiện nay”. Một số ví dụ được ông Lê Hồng Tịnh đưa ra như cấp chứng chỉ, đăng ký đăng kiểm xe ô tô chẳng hạn, giám sát các hoạt động y tế, giáo dục có thể giao cho các hiệp hội, còn quản lý nhà nước đơn thuần.