Đó là thông điệp nổi bật nhất tại Diễn đàn “Doanh nghiệp trong nền kinh tế số” và Lễ Công bố Báo cáo thường niên doanh nghiệp Việt Nam 2017 – 2018 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam VCCI phối hợp cùng Bộ Khoa học & Công nghệ tổ chức hôm 17/05.
Trong bài tham luận tại Diễn đàn, Chủ tịch VCCI, TS Vũ Tiến Lộc nhấn mạnh: khác với Việt Nam, các nước phát triển trên thế giới thường ít nói nhiều đến cụm từ Cách mạng 4.0, duy chỉ chắc chắn một điều rằng hầu hết các nền kinh tế này đều đang được dẫn dắt bởi công nghệ số. Có thể nói, nền kinh tế số hóa đang len lỏi và dần chiếm lĩnh từng ngõ ngách của đời sống xã hội, và trong nhiều công việc kinh doanh.
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cũng xem kinh tế số là một trong những ưu tiên hàng đầu, hướng đến mục tiêu trở thành một trong năm nền kinh tế số hóa lớn nhất thế giới vào năm 2025. Cụ thể, báo cáo của Google và Temasek cho biết: năm 2017, tốc độ tăng trưởng kinh tế số của ASEAN đã vượt xa kỳ vọng (đạt 27%/năm) và cán mốc 50 tỷ USD (chiếm khoảng 2% GDP của cả khu vực và dự kiến sẽ tăng lên đến 6% vào năm 2025; Những lĩnh vực chứng kiến sự tăng trưởng bùng nổ gồm có: thương mại điện tử, truyền thông đa phương tiện, giải trí, đặt xe và du lịch trực tuyến, …
Việt Nam hiện cũng được đánh giá là một trong những nước có tiềm năng rất lớn để phát triển kinh tế số. Thời gian qua, xu thế số hóa đã hiện diện và len lỏi trên hầu như tất cả mọi lĩnh vực, từ thương mại, thanh toán tiêu dùng, cho đến giao thông, y tế, giáo dục, … ở Việt Nam. Ngày càng có nhiều start-up được thành lập và đạt kết quả kinh doanh ấn tượng trên các mảng như: thương mại điện tử (Vuivui.com, Tiki.vn,... ); thanh toán trung gian trên nền tảng công nghệ QR Code hay ví điện tử (123Pay và ZaloPay của ZION, Momo, Webmoney, Payoo…); mạng xã hội (Zalo); các thiết bị kết nối IoT (máy bán nước, máy bán hàng tự động, ...); và các giải pháp ngân hàng điện tử … Tuy nhiên, tỷ trọng của các lĩnh vực được số hóa hiện mới chỉ chiếm khoảng 3,6% tổng doanh số thị trường bán lẻ của Việt Nam, còn rất khiêm tốn so với mức trung bình 14,5% của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương.
Vì vậy, trước những cơ hội do nền kinh tế số mang lại, các doanh nghiệp Việt Nam cần chủ động đầu tư cải tiến công nghệ, bên cạnh du nhập và áp dụng những mô hình, phương thức kinh doanh mới nhằm giúp nâng cao hiệu quả hoạt động, mở rộng, chiếm lĩnh thị phần, hay thậm chí mở ra những thị trường mới – TS Vũ Tiến Lộc khẳng định.
Tuy nhiên, cũng cần phải lưu ý rằng: bên cạnh những cơ hội thì nền kinh tế số cũng tạo ra rất nhiều thách thức cho các doanh nghiệp Việt Nam, như: 1) nguy cơ thua cuộc ngay trên sân nhà trước các đại gia công nghệ của thế giới như Facebook, Google, … ; 2) tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực công nghệ thực sự không dễ để giải quyết; 3) môi trường pháp lý của Việt Nam hiện vẫn chưa phù hợp và do đó không thể hỗ trợ đắc lực cho sự phát triển của nền kinh tế số; 4) mối đe dọa về an toàn, bảo mật do những hạn chế và yếu kém về cơ sở hạ tầng lẫn trình độ công nghệ; 5) nhiều khó khăn khác có thể gặp phải trong quá trình triển khai như rào cản chi phí cao; 6) khả năng thích ứng với kinh tế số của các doanh nghiệp Việt Nam còn nhiều hạn chế, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ … Do vậy, để vượt qua và nắm bắt được cơ hội, cộng đồng các doanh nghiệp trong nền kinh tế số của Việt Nam cần phải nỗ lực rất nhiều, bên cạnh sự quan tâm và hậu thuẫn của Nhà nước, chí ít là về mặt chính sách.