Nhiều nghiên cứu đã và đang được ứng dụng nhằm phục vụ phát triển ngành giao thông vận tải đã được trình bày tại Hội nghị KH&CN giao thông vận tải lần thứ IV.

Ngày 17/5, Trường Đại học Giao thông vận tải TPHCM đã tổ chức Hội nghị KH&CN giao thông vận tải lần thứ IV nhân kỷ niệm 30 năm ngày thành lập nhà trường (18/5/1988- 18/5/2018).

Hội nghị tập trung thảo luận vào các nhóm vấn đề chính bao gồm: Kinh nghiệm và mô hình phát triển đào tạo nguồn nhân lực giao thông vận tải phù hợp với nhu cầu xã hội; Mô hình phát triển giao thông vận tải theo hướng phát triển bền vững phù hợp với điều kiện Việt Nam; Các giải pháp KH&CN ứng dụng trong giao thông vận tải.

224 báo cáo gửi tới hội nghị đã trình bày những nghiên cứu đã và đang được ứng dụng, góp phần tích cực phục vụ công tác đào tạo và phát triển ngành giao thông vận tải.

h
PGS.TS Nguyễn Văn Thư - Hiệu trưởng Trường Đại học Giao thông vận tải TPHCM

Điển hình như đề tài Thiết kế bộ điều khiển Adaptive Control cho hệ thống lái tàu tự động, giúp cho việc lái tàu của thuyền trưởng dễ dàng và an toàn hơn; Nghiên cứu lựa chọn khu neo tránh bão cho tàu cá ở khu vực quần đảo Trường Sa, giới thiệu đầy đủ về vị trí địa lý, đặc điểm địa hình, tình hình khí tượng hải dương tại quần đào Trường Sa và đề xuất các khu neo tránh bão cùng những hướng dẫn hàng hải tại khu vực này; Đánh giá khả năng sử dụng bột đá thay thế cát trong sản xuất bê tông làm đường giao thông nông thôn; Nghiên cứu sử dụng tro bay từ nhà máy nhiệt điện làm cọc đất – tro bay gia cố nền đất yếu, nhằm giảm ô nhiễm môi trường; Nghiên cứu tận dụng phế thải tro xỉ và đất sét để làm đường giao thông theo công nghệ Geopolymer;…

Các diễn giả báo cáo kết quả nghiên cứu tại hội nghị
Các diễn giả báo cáo kết quả nghiên cứu tại hội nghị.

Trong 2 năm tới, các đề tài nghiên cứu khoa học của trường sẽ tập trung vào việc thực hiện chiến lược phát triển bền vững ngành giao thông vận tải của đất nước. Đó là nghiên cứu nâng cao chất lượng xây dựng các công trình, các phương tiện giao thông; Áp dụng công nghệ tiên tiến, nâng cao chất lượng quản lý, khai thác hệ thống, công trình giao thông vận tải, đặc biệt là các giải pháp chống ùn tắc giao thông, quản lý chuỗi logicstic vận tải; Nghiên cứu ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng và ô nhiễm môi trường do hoạt động vận tải gây nên; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào tất cả mọi quá trình: Quản lý, điều hành, khai thác, và điều khiển các hệ thống giao thông thông minh; …
Triển lãm, giới thiệu những thành tựu nghiên cứu khoa học
Triển lãm, giới thiệu những thành tựu nghiên cứu khoa học.

Song song với việc tổ chức hội nghị, trường cũng trưng bày, giới thiệu những kết quả nghiên cứu khoa học tiêu biểu trong thời gian qua.

 Những nghiên cứu sáng tạo của sinh viên
Những nghiên cứu sáng tạo của sinh viên.

Đại học Giao thông vận tải TPHCM là trường đào tạo đa ngành về giao thông vận tải của Việt Nam. Hiện trường đang đào tạo trên 15.000 sinh viên, học viên sau đại học với 31 chuyên ngành như hàng hải, quản trị logistics, xây dựng công trình, khai thác vận tải, điện – điện tự động giao thông,… Trường phấn đấu đến năm 2030 trở thành trường đại học lớn, đa ngành, là trung tâm đào tạo, bồi dưỡng, nghiên cứu khoa học về giao thông vận tải có uy tín trong nước và thế gới.

PGS.TS Nguyễn Văn Thư, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết, từ năm 2015 đến nay, trường đã và đang triển khai 20 đề tài nghiên cứu KH&CN, dự án cấp Bộ; 130 đề tài cấp cơ sở; và 74 đề tài nghiên cứu khoa học sinh viên. Các giảng viên và nhà nghiên cứu của trường đã có 168 bài báo công bố quốc tế, nhiều bài nằm trong danh mục SCE, SCIE, ISI, Scopus.