Hội thảo “Truyền thông Khoa học & STEM 2019”, do Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHKHTN) và ĐH Quốc Gia Singapore (NUS) phối hợp tổ chức mang lại cho người tham dự cơ hội nghe các phương pháp truyền thông khoa học, được tập huấn kinh nghiệm giảng dạy cũng như thử nghiệm trình diễn mô hình trong giảng dạy STEM trong ba ngày 7-9/11/2019.
GS. Leo Tan, NUS thuyết trình đề tài: Phát triển kinh tế và xã hội của Singapore thông qua giáo dục Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học (STEM) trong các trường học, viện đại học và Trung tâm Khoa học.
Sự kiện được tổ chức nhằm tập huấn những kinh nghiệm và hoạt động tương tác trong dạy và học STEM cho giảng viên các trường đại học, cao đẳng cũng như giáo viên của một số trường phổ thông chuyên, trường phổ thông thực hành tại Việt Nam.
PGS.TS. Nguyễn Tiền Giang, Phó Hiệu trưởng Trường ĐHKHTN đánh giá “những gì được giới thiệu ở đây là thực tiễn và nền tảng tốt nhất, được thiết kế, thử nghiệm để phục vụ và mang lại lợi ích cho người học”. Cụ thể, “các giảng viên sẽ trình bày các phương pháp được sử dụng trong và ngoài lớp học để đạt được giao tiếp khoa học có tác động, thúc đẩy môi trường học tập. Bên cạnh đó, các hội thảo chuyên sâu sẽ bàn luận về những đổi mới trong giảng dạy và học tập, thực tiễn sư phạm thúc đẩy mức độ tư duy và yêu cầu cao hơn, và các kỹ thuật truyền thông khoa học hiệu quả để tăng cường hứng thú với khoa học”, PGS. Nguyễn Tiền Giang nói.
“Tôi hy vọng sự kiện này sẽ truyền cảm hứng và động lực cho mọi người, để khi quay trở lại công việc, các bạn sẽ biến những gì học được thành thực tiễn”, GS. Sow Chorng Haur, Khoa Khoa học, NUS chia sẻ.
PGS.TS. Tạ Thị Thảo, trường ĐH KHTN, thuyết trình đề tài: Giáo dục STEM tích hợp cho sinh viên đạihọc tại Việt Nam - Phương pháp mô đun liên ngành.
Hội thảo có hai phiên toàn thể và bốn hội thảo chuyên đề song song trong ba ngày từ 7 – 9/11. Những người tham gia sẽ tham gia và tìm hiểu những ý tưởng và phương pháp mới được giới thiệu trong hai ngày đầu tiên và vào ngày thứ ba, họ sẽ có cơ hội thực hành kiến thức mới và chia sẻ ý tưởng cũng như kinh nghiệm trong quá trình giảng dạy tại đơn vị công tác của mình.
Sau khi kết thúc hội thảo, các đại biểu tham dự đầy đủ sẽ được cấp Chứng nhận tham dự hội thảo do Trường Đại học Khoa học Tự nhiên và Đại học Quốc gia Singapore cấp.
Các nội dung chính tại Hội thảo:
- Giáo dục STEM tích hợp cho sinh viên đại học tại Việt Nam - Phương pháp mô đun liên ngành.
- Phát triển kinh tế và xã hội của Singapore thông qua giáo dục Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học trong các trường học, viện đại học và Trung tâm Khoa học.
- Thí nghiệm vật lý đại cương theo định hướng của sinh viên: Tự thiết kế - Xây dựng - Kiểm tra và Báo cáo.
- Trình diễn khoa học tư duy (Minds-on Science Demonstration).
- Từ lễ hội STEM quốc gia đến lễ hội STEM của trường ở Việt Nam.
- Các giải pháp ứng dụng Internet Vạn vật (IoT) và Trí thông minh nhân tạo (AI) để nâng cao chất lượng tuyển sinh và đào tạo STEM cho các trường đại học kỹ thuật tại Việt Nam.
- Chương trình giảng dạy và Tiên phong trong việc phát triển mô-đun Câu hỏi-Trụ cột tại NUS.