Không có chất thải môi trường, không tạo mùi hôi, công nghệ xử lý rác thải hữu cơ tái tạo năng lượng 6R của Nhật Bản có thể tạo ra 3kWH điện và hơn 3kg phân hữu cơ từ 50kg rác thải hữu cơ.

Thông tin trên được ông Nguyễn Văn Phú, Quản lý dự án 6R-MOT cho biết tại Hội thảo “Công nghệ xử lý rác thải hữu cơ tái tạo năng lượng 6R (6R – MOT) của Nhật Bản” do Saigon Innovation Hub (SIHUB) phối hợp cùng tập đoàn MILAI - Nhật Bản tổ chức ngày 7/1 tại TPHCM.

Dự án được Bộ Môi trường Nhật Bản hỗ trợ và Trung tâm Môi trường Thế giới của Nhật Bản (GEC) quản lý. Hiệu quả của dự án đã được SIHUB triển khai kiểm chứng trong hơn 5 tháng xử lý mẫu nguồn rác từ chợ đầu mối Nông sản Thủ Đức.

Công nghệ xử lý rác hữu cơ 6R cho phép giải quyết bài toán xử lý rác hữu cơ để chuyển hoá thành điện năng hoặc nhiệt năng với hiệu suất cao. Hệ thống gồm 2 thành phần chính: hệ thống xử lý rác thải hữu cơ và xe điện thu gom rác, tạo thành chu trình khép kín với mục tiêu không phát thải CO2. Rác hữu cơ được thu gom bằng xe điện. Quá trình xử lý rác tạo ra điện năng, sạc ngược lại cho xe điện, tạo nên 1 vòng khép kín năng lượng nhằm giảm phát thải CO2. Theo ông Phú, với các công nghệ hiện tại, rác hữu cơ thường được xử lý để tạo ra phân compost hoặc xử lý theo hướng biogas, nên mất nhiều thời gian, diện tích và gây ô nhiễm môi trường.

Ông
Ông Ichiro Hatayama – Chủ tịch Tập đoàn MILAI, thuyết trình tại hội thảo.

Ông Ichiro Hatayama – Chủ tịch Tập đoàn MILAI, cho biết, rác hữu cơ tại nguồn sau khi được thu gom sẽ được sấy khô bằng năng lượng mặt trời để giảm lượng nước có trong rác từ 80% xuống còn 20%. Rác sau khi sấy khô sẽ trải qua quy trình cacbon hóa (đốt) tạo thành than củi. Than này tiếp tục sử dụng trong quy trình khí hóa để tạo thành khí gas làm nguồn nhiên liệu chạy máy phát điện tạo ra năng lượng điện. Một phần than củi sau quá trình đốt sẽ được sử dụng làm phân bón hữu cơ.

“Thiết bị nhỏ gọn, công suất có thể thiết kế từ 100kg – 25 tấn/ngày/máy, nên có thể sử dụng ở nhiều khu vực như biển đảo, nông thôn, thành phố. Đồng thời, có thể linh động mô hình xử lý rác tập trung hoặc phân tán giúp tiết kiệm chi phí vận chuyển rác thải” – ông Ichiro nhấn mạnh.

Trong khi đó, ông Phú cho biết thêm, với lượng rác thải hữu cơ vào khoảng 80 – 100 tấn/ngày ở chợ đầu mối Bình Điền, TPHCM, sẽ mất 10 tỷ đồng/năm chi phí vận chuyển rác. Nếu sử dụng công nghệ 6R để xử lý tại chỗ, không những tiết kiệm được chi phí vận chuyển mà còn giảm được ô nhiễm môi trường tại chợ cũng như trong quá trình vận chuyển và tại bãi rác tập trung.

Vận hành thử nghiệm lò đốt rác tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, TPHCM
Vận hành thử nghiệm lò đốt rác tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức, TPHCM

Theo ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm Tiến bộ KH&CN TPHCM, “với các quy định mới về yêu cầu phân loại rác thải đang được áp dụng tại TPHCM, việc áp dụng công nghệ này vào xử lý rác thải hữu cơ để tái tạo năng lượng là rất phù hợp”. Theo ông Tước, Sihub và MILAI mong muốn tìm kiếm đối tác chuyển giao và nội địa hóa công nghệ nhằm giảm giá thành (khoảng 30% nếu nội địa hóa được 90%) so với nhập ngoại.

Phát biểu với tư cách người tham dự hội thảo, ông Ngô Trung Kiên – Giám đốc Công ty Cổ phần công trình đô thị Bến Tre, cho biết, Bến Tre mỗi ngày phải xử lý khoảng hơn 150 tấn rác với 5 trạm trung chuyển. Tỉnh Bến Tre cũng đang tìm kiếm những công nghệ xử lý rác hiện đại hơn công nghệ hiện đang thực hiện là ủ tạo phân compost tốn nhiều diện tích. Tuy nhiên, ông Kiên đánh giá, hệ thống 6R của Nhật Bản dù khá ưu việt nhưng khó áp dụng ở Bến Tre vì địa phương này chưa thực hiện việc phân loại rác.