Mặc dù không có một công thức chung phù hợp với tất cả các quốc gia nhưng Việt Nam vẫn cần tận dụng sự hỗ trợ cũng như kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới để có thể giành thế chủ động trong chương trình quản lý rác thải nhựa đại dương.

Theo kết quả điều tra của AlphaBeta, năm 2017, Việt Nam có 2,26 triệu tấn rác thải nhựa, so với số liệu 1,8 triệu tấn do FAO công bố ngày 5/6/2019. Trong đó,  chỉ có khoảng 1,22 triệu tấn, tức là chiếm 54% số lượng được thu gom, còn lại 1,04 triệu tấn bị “bỏ mặc”, ảnh hưởng đến môi trường ở khu vực đất liền và đại dương.
Theo kết quả điều tra của AlphaBeta, năm 2017, Việt Nam có 2,26 triệu tấn rác thải nhựa, so với số liệu 1,8 triệu tấn do FAO công bố ngày 5/6/2019. Trong đó, chỉ có khoảng 1,22 triệu tấn, tức là chiếm 54% số lượng được thu gom, còn lại 1,04 triệu tấn bị “bỏ mặc”, ảnh hưởng đến môi trường ở khu vực đất liền và đại dương.

Tại hội thảo “Giải quyết rác thải nhựa đại dương ở Việt Nam và ASEAN” diễn ra vào ngày 4/8/2019 tại Hà Nội do Viện nghiên cứu Biển và Hải đảo (Tổng cục Biển và Hải đảo, Bộ TN&MT) phối hợp với Chương trình đối tác toàn cầu về rác thải nhựa (Diễn đàn Kinh tế thế giới), tổ chức Công nghiệp thực phẩm châu Á và AlphaBeta – một công ty tư vấn về kinh tế và xây dựng chiến lược, TS. Tạ Đình Thi (Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo) đã đề cập đến vai trò của hợp tác quốc tế, sự tham gia của các tổ chức phi chính phủ cũng như các nhà nghiên cứu trong việc hỗ trợ Bộ TN&MT xây dựng và hoàn thiện dự thảo kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030.

Cuộc chiến không của riêng ai

Ngay từ thời điểm bắt đầu “tuyên chiến” với rác thải nhựa, đặc biệt là rác thải nhựa đại dương, nhiều quốc gia trên thế giới đã nhận ra, tương tự việc đối phó với nhiều loại bệnh dịch truyền nhiễm, rác thải nhựa là vấn đề xuyên quốc gia và đòi hỏi nhiều bên tham gia. Viện dẫn đến nhiều công bố quốc tế trong thời gian qua, đặc biệt nghiên cứu của Jenna R. Jambeck và cộng sự “Rác thải nhựa từ đất liền đổ ra đại dương” (Plastic waste in puts from land into the ocean) trên Science năm 2015, TS. Fraser Thompson (giám đốc AlphaBeta) nêu một thực trạng: rác thải nhựa đại dương ở quốc gia này nhưng lại xuất phát từ nhiều quốc gia khác và độ phức tạp trong các loại rác thải nhựa, vốn liên quan đến sản phẩm tiêu dùng của các doanh nghiệp xuyên quốc gia có các cơ sở sản xuất trên quy mô toàn cầu, khiến các cơ quan chính phủ của mỗi quốc gia không thể tự giải quyết được vấn đề. Khái niệm trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất (extended producer responsibility EPR) - cách tính thêm phí môi trường vào chi phí làm ra sản phẩm và buộc nhà sản xuất phải có trách nhiệm về sản phẩm trong suốt vòng đời của nó, đã được nhiều quốc gia áp dụng trong các chiến lược giảm thiểu rác thải nhựa.

Bình luận về vấn đề này, TS. Tạ Đình Thi cho rằng, “trên thế giới đã có nhiều chương trình về rác thải nhựa đã được thực hiện với nhiều cấp độ và quy mô khác nhau, từ hỗ trợ hoàn thiện về cơ chế chính sách đến nghiên cứu, xử lý chất thải nhựa với sự tham gia của các cấp chính quyền, các giới và các tổ chức phi chính phủ”. Đây cũng là gợi ý để Việt Nam nghĩ đến khả năng tận dụng được nguồn lực và thu hút được sự quan tâm của nhiều bên, nhiều thành phần xã hội thông qua việc xây dựng và hoàn thiện các công cụ chính sách.

Bộ TN&MT dự kiến sẽ thành lập một trung tâm nghiên cứu quốc tế về rác thải nhựa đại dương và lập một cơ sở dữ liệu mở, được các chuyên gia cho rằng sẽ là cơ hội để Việt Nam mở rộng hợp tác quốc tế với nhiều cơ quan, tổ chức quản lý và nghiên cứu quốc tế cũng rất cần chia sẻ dữ liệu.

Với cái nhìn cởi mở như vậy, quá trình xây dựng và soạn thảo kế hoạch hành động quốc gia về quản lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030 của Bộ TN&MT đã có sự tham gia đóng góp của nhiều bên. Ví dụ tại hội thảo này, các nhà tổ chức đã mời cả tổ chức Công nghiệp thực phẩm châu Á (FIA) cũng như một số doanh nghiệp như Coca Cola Việt Nam, Nestle Việt Nam và tổ chức phi chính phủ khác cùng bàn thảo về các giải pháp.

Những vấn đề hiện hữu của Việt Nam

Trao đổi bên lề hội nghị, GS. TS Phạm Hùng Việt, Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ phân tích phục vụ kiểm định môi trường và an toàn thực phẩm (ĐHQGHN) cho rằng, theo quan sát của ông trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, đây là lần đầu tiên, Việt Nam có thể song hành với quốc tế. “Nếu như các lần trước đây, Việt Nam đều đi sau thế giới trong xử lý ô nhiễm, ví dụ như với trường hợp xử lý các hợp chất hữu cơ khó phân hủy (POPs) theo Công ước Stockholm, thì với rác thải nhựa lần này, chúng ta có thể cùng họ tham gia nghiên cứu và tìm phương thức giải quyết vấn đề ở nhiều khía cạnh”, ông nói. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý đến trường hợp các quốc gia đang phát triển như Việt Nam hay Indonesia do chưa có nhiều kinh nghiệm trong quản lý ô nhiễm nên cần học hỏi rất nhiều về phương thức quản lý từ những quốc gia phát triển.

Những hoạt động như những hình thức đóng gói bao bì mới, sử dụng những chất liệu thân thiện với môi trường hoặc có thể tái chế… vẫn còn khá khiêm tốn ở Việt Nam khi mới đạt tỷ lệ từ 2 đến 3% tiềm năng.
Những hoạt động như những hình thức đóng gói bao bì mới, sử dụng những chất liệu thân thiện với môi trường hoặc có thể tái chế… vẫn còn khá khiêm tốn ở Việt Nam khi mới đạt tỷ lệ từ 2 đến 3% tiềm năng.

Điều này cũng hoàn toàn trùng khớp với nhận xét của Ocean Conservancy, một nhóm vận động về môi trường và tư vấn chính sách gìn giữ môi trường đại dương dựa trên cơ sở khoa học. Trong một phân tích vào năm 2018, họ cũng nêu nhận xét, hiệu quả trong quản lý rác thải nhựa đại dương sẽ còn phụ thuộc rất nhiều vào mức độ sẵn sàng và trình độ quản lý của từng quốc gia.

Đây là vấn đề chưa được xử lý hiệu quả ở Việt Nam. Theo kết quả điều tra và phân tích của AlphaBeta, năm 2017, Việt Nam có 2,26 triệu tấn rác thải nhựa. Con số này cao hơn nhiều so với số liệu do Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) công bố ngày 5/6/2019 vừa qua: 1,8 triệu tấn. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 1,22 triệu tấn, tức là chiếm 54% số lượng được thu gom, còn lại 1,04 triệu tấn bị “bỏ mặc”, ảnh hưởng đến môi trường ở khu vực đất liền và đại dương. Ngay cả số rác thải nhựa được thu gom thì không phải được xử lý hoặc tái chế ngay. Những rò rỉ của các khâu thu mua, vận chuyển, tái chế hay xử lý cũng khiến 13% rác thải thu gom, tương đương 160.000 tấn, trở lại môi trường và trôi ra biển theo các cửa sông. Thậm chí, rác thải nhựa trong các điểm tập trung cũng gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe cư dân theo nhiều cách, ví dụ như vấn đề mùi phát sinh, nguy cơ lan rộng ô nhiễm do gần nguồn nước, dòng chảy, riêng ở các vùng ven, vùng nông thôn thì điểm tập kết thường chính là những dòng sông, nơi rác thải nhựa thường theo dòng chảy ra ngoài biển.

Vậy đâu là nguyên nhân chính? Nhìn nhận cả quá trình thu gom, xử lý rác thải nhựa của Việt Nam, TS Fraser Thompson nêu, một trong những điểm yếu của Việt Nam là phần lớn hoạt động đều mới chỉ tập trung ở một số vùng, một số nơi như Hà Nội và TPHCM, trong đó Hà Nội chiếm tới 19% cả nước. Mặt khác, “quy mô thu gom cũng là một vấn đề vì hơn 60% hoạt động đều ở quy mô nhỏ và rất nhỏ. Điều đó dẫn đến tác động của các hoạt động này cũng ở mức khiêm tốn”, ông nhận xét và giải thích thêm, quy mô nhỏ ở đây là mức kinh phí thực hiện trong khoảng 20 đến 250.000 USD, thu nhặt được 1 đến 5% số lượng rác thải phát sinh hoặc diễn ra ở 2 đến 5 địa phương. Hiện nay, điều đáng chú ý là những hoạt động như những hình thức đóng gói bao bì mới, sử dụng những chất liệu thân thiện với môi trường hoặc có thể tái chế… vẫn còn khá khiêm tốn ở Việt Nam khi mới đạt tỷ lệ từ 2 đến 3% tiềm năng.

Đẩy nhanh quá trình hoàn thiện kế hoạch quốc gia về quản lý rác thải nhựa

Trong bối cảnh như thế, việc xây dựng được một kế hoạch quốc gia về quản lý rác thải nhựa đầy đủ các tiêu chí kịp thời, hội nhập và có khả năng giảm thiểu những tác động đến môi trường một cách rõ rệt khiến Tổng cục Biển và Hải đảo phải mở cánh cửa mời gọi các nhà nghiên cứu từ các trường, viện, các tổ chức quốc tế, các tổ chức xã hội và phi chính phủ… đóng góp ý kiến, tư vấn thông qua nhiều hội thảo. Sau những thảo luận đa chiều như vậy, một bản dự thảo đã dần được hình thành với 7 nhiệm vụ mà thoạt nhìn dường như không có nhiều nét khác biệt so với những kế hoạch chương trình ở nhiều lĩnh vực khác, ví dụ như tuyên truyền, nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi ứng xử; rà soát, bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, ứng dụng phát triển và chuyển giao công nghệ…, tuy nhiên lại ẩn chứa những nội dung khác biệt. TS. Nguyễn Lê Tuấn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Biển và Hải đảo, giải thích, “đơn cử như về nghiên cứu khoa học cũng là những vấn đề rất mới với thế giới. Chúng ta có cơ hội không chỉ có được những kiến thức và hiểu biết sâu hơn về cơ chế tác động đến con người, đến môi trường, có được dữ liệu nhiều khía cạnh về thực tế ô nhiễm rác thải nhựa mà còn có thể có được những công nghệ xử lý rác, tái chế rác mới, tránh được ô nhiễm thứ cấp – vốn là vấn đề đang xảy ra ở một số làng nghề tái chế của Việt Nam, và có được những công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường”.

Để đạt được mục tiêu này, Bộ TN&MT dự kiến sẽ thành lập một trung tâm nghiên cứu quốc tế về rác thải nhựa đại dương và lập một cơ sở dữ liệu mở, vốn được các chuyên gia cho rằng sẽ là cơ hội cho Việt Nam mở rộng hợp tác quốc tế với nhiều cơ quan, tổ chức quản lý và nghiên cứu quốc tế cũng rất cần chia sẻ dữ liệu. GS. TS Phạm Hùng Việt nhận xét, đây sẽ là điểm kết nối các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước cũng như là nơi khởi đầu nhiều sáng kiến ở quy mô khu vực và quốc tế bởi theo kinh nghiệm của ông, việc duy trì một trung tâm như vậy chính là sự thể hiện cam kết lâu dài của chính phủ trong cuộc chiến rác thải nhựa đại dương, một trong những yếu tố quan trọng để đưa cơ sở này trở thành điểm thu hút các nguồn lực con người, kinh phí đầu tư… để thực hiện các nhiệm vụ chung.

Là nhà nghiên cứu đi tiên phong ở Việt Nam về vi nhựa đại dương, giáo sư Phạm Hùng Việt đã có bước chuẩn bị để có thể sẵn sàng tham gia các dự án ở trung tâm tương lai này. “Phòng thí nghiệm của tôi giờ đã có được các thiết bị thiết yếu cho công tác nghiên cứu nhựa như các dụng cụ lấy mẫu, một số thiết bị phân tích chuyên dụng… cũng như lực lượng nghiên cứu đủ năng lực thực hiện các dự án quốc tế”, ông nói.

Để có những cách làm phù hợp với điều kiện riêng biệt, Việt Nam có thể tham khảo những kinh nghiệm quản lý từ những công cụ chính sách mà nhiều quốc gia đã áp dụng thành công như Canada, Đức, Anh, Nhật Bản hay Hàn Quốc…, TS. Fraser Thompson gợi ý. Khi vận dụng khái niệm EPR, mỗi quốc gia lại có một cách làm khác biệt. Ví dụ Anh và Nhật Bản đã xây dựng những quy định rõ ràng liên quan đến trách nhiệm báo cáo tình hình sử dụng nhựa trong đóng gói sản phẩm và những hướng dẫn tường minh về dữ liệu đóng gói sản phẩm, qua đó Anh đã xác định được phạm vi các doanh nghiệp cần phải báo cáo dữ liệu nhựa đóng gói với chính phủ là những công ty có doanh thu hơn 3,7 triệu USD và sử dụng 50 tấn nguyên liệu đóng gói mỗi năm còn Nhật Bản có được Luật tái chế bao bì và vật liệu đóng gói đồng thời tạo ra khung báo cáo chuẩn và dễ điền thông tin để doanh nghiệp có thể cảm thấy thoải mái thực hiện, “vốn là công việc trước đây họ không phải làm”, TS Fraser Thompson cho biết. Cũng với cách tiếp cận tương tự, Áo đã thiết lập những công cụ báo cáo qua mạng internet theo từng khoảng thời gian xác định, ví dụ như hằng tháng và hằng quý cho doanh nghiệp dựa trên số lượng nguyên liệu sử dụng để đóng gói sản phẩm trong khi Đức thành lập hẳn một cơ quan mới cấp quốc gia để quản lý việc thi hành các quy định về đóng gói sản phẩm…

TS Fraser Thompson. Ảnh: twitter
TS Fraser Thompson. Ảnh: twitter

Trước câu hỏi của một đại biểu về việc làm sao “ép” được doanh nghiệp thực hiện các khung quy định này, TS. Fraser Thompson cho rằng, mỗi cơ quan chính phủ đều có thể vận dụng linh hoạt những cách làm riêng, ví dụ như áp thuế về vật liệu sử dụng trong thành phần bao bì hoặc cơ chế tài chính riêng khuyến khích các công ty thu thập hoặc tái chế. Tuy nhiên, “các chính phủ vẫn mới chỉ khuyến khích chứ chưa bắt buộc, ngay cả việc đề nghị báo cáo thông tin về lượng rác thải nhựa từ bao bì đóng gói cũng chỉ áp dụng với công ty ở những quy mô nhất định chứ không yêu cầu mọi công ty thực hiện”, ông nói.

Dự thảo kế hoạch quốc gia về quản lý rác thải nhựa đến năm 2030

Ưu tiên thực hiện 15 nhiệm vụ, trong đó Bộ KH&CN sẽ có trách nhiệm chủ trì các nhiệm vụ:

Rà soát, xây dựng, bổ sung các quy định về chuyển giao, đánh giá, giám định công nghệ liên quan đến sản xuất, tái chế nhựa và sản xuất các sản phẩm thân thiện với môi trường (thời gian thực hiện 2020-2025); Nghiên cứu, phát triển, chuyển giao công nghệ trong sản xuất, tiêu dùng, xử lý, thu gom và giảm thiểu rác thải nhựa đại dương, phát triển và ứng dụng các vật liệu ít gây ô nhiễm môi trường trong đánh bắt, nuôi trồng thủy sản, áp dụng công nghệ phân loại, tái chế rác thải nhựa thành vật liệu xây dựng (thời gian thực hiện 2020-2025).