TS. Emilie Strady (Aix-Marseille Univ., Université de Toulon) và các cộng sự ĐH Bách khoa TPHCM, ĐHQG TPHCM đã đặt câu hỏi: hiệu quả xử lý chất thải nhựa của các nhà máy xử lý nước thải ở Việt Nam như thế nào? Liệu đây có phải là nguồn phát thải vi nhựa vào môi trường không?
Để trả lời các câu hỏi này, nhóm nghiên cứu đã tới ba nhà máy xử lý nước thải ở Bình Hưng, Thuận An và Dĩ An, và một ở Đà Lạt. Việc phân tích mẫu nước, trầm tích trong phòng thí nghiệm đã cho ra kết quả: vi nhựa xuất hiện với các chỉ số dao động từ 1.860 hạt đến 125.000 hạt trên một mét khối nước trong dòng chảy vào vào nhà máy và 140 đến 813 hạt trên mét khối nước ở nước đã qua xử lý. Chủ yếu lượng vi nhựa này là từ nước thải sinh hoạt của các khu dân cư, hoạt động công nghiệp…, trong đó chiếm đa số là vi nhựa dạng sợi – dấu hiệu cho thấy nguồn vi nhựa từ chất thải sinh hoạt. Đáng chú ý là lượng vi nhựa mà các nhà máy này phát thải cũng tương đương với lượng từ các nhà máy xử lý nước thải khác trên thế giới như Scotland, Úc, dẫu công nghệ ở các nhà máy ở Việt Nam không hiện đại bằng.
Kết quả được nêu trong công bố “Evaluation of microplastic removal efficiency of wastewater-treatment plants in a developing country, Vietnam” và xuất bản trên tạp chí Environmental Technology & Innovation.
Thanh Hương