Joint meeting là một mô hình tổ chức phổ biến trong cộng đồng toán học thế giới. Joint meeting thường được tổ chức bởi hai hội toán học của hai quốc gia, nhằm tăng cường sự hợp tác giữa các nhà toán học của hai quốc gia đó.

GS. Lê Tuấn Hoa, Viện Toán học (bìa phải) và GS. Brian D. Boe, Đại học Georgia, Mỹ. Hai người đã chủ trì phiên trình bày về đại số giao hoán diễn ra vào chiều ngày 11/6.
GS. Lê Tuấn Hoa, Viện Toán học (bìa phải) và GS. Brian D. Boe, Đại học Georgia, Mỹ. Hai người đã chủ trì phiên trình bày về đại số giao hoán diễn ra vào chiều ngày 11/6.

Joint meeting tại Việt Nam lần đầu tiên được tổ chức năm 2012 tại Huế bởi Hội Toán học Việt Nam và Hội Toán học Pháp. Năm nay, Joint mathematical meeting giữa Hội Toán học Việt Nam và Hội Toán học Mỹ lần đầu tiên được tổ chức tại thành phố Quy Nhơn, Bình Định. Đơn vị chủ trì tổ chức là Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán, phối hợp với Đại học Quy Nhơn.

Tới dự Hội thảo có hơn 100 nhà toán học từ Mỹ, Pháp, Đức, Nhật, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Úc và nhiều nước khác. Các nội dung báo cáo tại Hội thảo đề cập đến phần lớn các chuyên ngành chính của Toán học, từ Đại số, Lý thuyết số tới Hình học, Tô pô, Phương trình vi phân, Tối ưu, Xác suất-Thống kê tới Toán tài chính, Vật lý Toán. Chương trình Hội thảo bao gồm sáu báo cáo toàn thể (ba báo cáo viên là người Việt và ba báo cáo viên là người Mỹ hoặc đang giảng dạy, nghiên cứu tại Mỹ) và các báo cáo mời tại 12 tiểu ban. Một trong những đặc trưng căn bản của Hội thảo Toán học Việt Mỹ lần này là các báo cáo đều có chất lượng rất cao. Tất cả các báo cáo đều được ban tổ chức mời đích danh. Ngoài ra một số cán bộ trẻ, nghiên cứu sinh cũng được mời giới thiệu kết quả nghiên cứu khoa học của minh dưới dạng poster.

Có thể nói Hội thảo Toán học Việt Mỹ là một đóng góp quan trọng vào việc tăng cường sự hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong lĩnh vực Toán học. Hoa Kỳ là một trong những quốc gia có nền Toán học mạnh nhất trên thế giới. Đồng thời hiện nay cũng có khá nhiều các nhà Toán học người Mỹ gốc Việt và nhiều sinh viên, nghiên cứu sinh về Toán người Việt đang học tập tại Hoa Kỳ. Hội thảo lần này cũng là cơ hội cho nhiều nhà toán học gốc Việt không chỉ từ Hoa Kỳ mà từ nhiều nước khác trở về Việt Nam, góp phần mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế của cộng đồng toán học Việt Nam.