Trong Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030 theo Quyết định số 681/QĐ-TTg do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phê duyệt có nêu rõ các mục tiêu tăng cường nghiên cứu khoa học, nâng cao năng lực công nghệ của các ngành công nghiệp, khuyến khích sáng chế phát minh, tăng cường mức chi cho nghiên cứu triển khai.
Để đạt được các mục tiêu này, việc chi cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ so với GDP sẽ tăng theo các mốc thời gian: 0,8 đến 1% năm 2020, trên 1,2% đến năm 2025 và trên 1,5% đến năm 2030.
Tương ứng với các mốc mục tiêu này, số lượng cán bộ nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trên một triệu dân sẽ là 800 người năm 2020, trên 1000 người năm 2025 và trên 1200 người năm 2030. Bộ KH&CN là cơ quan chủ trì thực hiện các mục tiêu này.
Bên cạnh các mục tiêu khoa học, trong Lộ trình thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững Việt Nam đến năm 2030 còn có 16 mục tiêu khác như: Chấm dứt mọi hình thức nghèo ở mọi nơi; Xóa đói, bảo đảm an ninh lương thực, cải thiện dinh dưỡng và thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững; Bảo đảm cuộc sống khỏe mạnh và tăng cường phúc lợi cho mọi người ở mọi lứa tuổi; Đảm bảo nền giáo dục có chất lượng, công bằng, toàn diện và thúc đẩy các cơ hội học tập suốt đời cho tất cả mọi người; Đảm bảo tăng trưởng kinh tế bền vững, toàn diện, liên tục. Tạo việc làm đầy đủ, năng suất và việc làm tốt cho tất cả mọi người; Đảm bảo sản xuất và tiêu dùng bền vững; Ứng phó kịp thời, hiệu quả với biến đổi khí hậu và thiên tai; Đảm bảo chia sẻ công bằng lợi ích từ việc sử dụng các nguồn gene và tăng cường hợp lý các nguồn gene theo công ước quốc tế… Cần có sự tham gia của khoa học và giáo dục trong quá trình triển khai các nhiệm vụ để đạt được các mục tiêu này.
Thanh Nhàn