Viện Nghiên cứu và Công nghệ Phenikaa (PRATI), Đại học Phenikaa, phối hợp với Hội Khoa học Vật liệu Việt Nam, Hội Vật lý Hàn Quốc tổ chức Hội nghị Quốc tế về Vật lý Ứng dụng Việt Nam – Hàn Quốc năm 2019 (V-KISAP 2019) nhằm mở rộng, tìm kiếm các chủ đề, các hướng nghiên cứu ứng dụng có thể phối hợp giữa hai bên.

Toàn cảnh Hội nghị V-KISAP 2019. Ảnh: Đại học Phenikaa
Toàn cảnh Hội nghị V-KISAP 2019. Ảnh: Đại học Phenikaa

Hội nghị được tổ chức tại Hà Nội từ ngày 13 đến 16/1, với sự tham gia của gần 80 nhà vật lý trong lĩnh vực vật lý ứng dụng và khoa học vật liệu, bao gồm hơn 50 nhà khoa học Việt Nam và 15 giáo sư từ 11 trường đại học, 2 viện nghiên cứu ở Hàn Quốc.

Ngoài ra, hội nghị còn có sự góp mặt của hai nhà khoa học Việt kiều là GS Phan Mạnh Hưởng đến từ Đại học South Florida (Mỹ) và GS Nguyễn Minh Thọ đến từ Đại học KU Leuven (Bỉ).

Với khoảng 30 báo cáo tham luận được trình bày trong thời gian diễn ra hội nghị, các nhà khoa học sẽ cùng nhau thảo luận bốn chủ đề nổi bật của ngành vật lý ứng dụng và khoa học vật liệu: vật liệu mới cho các ứng dụng năng lượng và điện tử; vật liệu hai chiều, ví dụ như graphene; vật liệu và thiết bị cấu trúc nano; vật liệu và thiết bị từ tính.

Mục tiêu của hội nghị lần này nhằm tìm kiếm cơ hội hợp tác giữa các nhà khoa học, các nhóm nghiên cứu trong lĩnh vực vật lý ứng dụng và khoa học vật liệu ở hai quốc gia thời gian tới, GS.TS Nguyễn Đức Chiến, Chủ tịch Hội Khoa học Vật liệu Việt Nam, cho biết.

Theo PGS. TS Phạm Thành Huy, Hiệu trưởng Đại học Phenikaa, Hội Vật lý và Hội Khoa học Việt Nam sẽ là đầu mối hỗ trợ hợp tác cho các bên.

Bản thân Đại học Phenikaa, đơn vị đồng tổ chức V-KISAP 2019, cũng đang trong quá trình trao đổi để xây dựng các dự án nghiên cứu về vật liệu nhiệt điện, vật liệu điện tử hữu cơ. Đây là hướng rất mới mà phía Hàn Quốc có nhiều kinh nghiệm.

"Các dự án của Đại học Phenikaa xuất phát từ cả nhu cầu thực tế lẫn đặt hàng. Trên góc độ định hướng phát triển công nghệ tương lai, chúng tôi chú trọng đến vật liệu hai chiều. Đây là hướng đang rất hot, thu hút rất nhiều sự quan tâm tại Việt Nam và trên toàn thế giới, đặc biệt là tính chất từ của vật liệu hai chiều. Trên góc độ đặt hàng, chúng tôi chú trọng định hướng điện tử hữu cơ để phát triển", PGS Huy cho biết thêm.

Được biết, trong lĩnh vực Vật lý, Trường Đại học Phenikaa, được đỡ đầu bởi tập đoàn sản xuất công nghiệp Phenikaa, tập trung vào Kỹ thuật điện tử y sinh, Vật lý y sinh, vật liệu nhiệt điện, khai thác các hiệu ứng vật lý để ứng dụng phục vụ con người. Theo hướng chung của thời đại, vật liệu có cấu trúc nano và linh kiện cảm biến liên quan đến công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo cũng là hướng nghiên cứu mới của trường.