Kể từ hôm nay (14/1), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực với Việt Nam. Tác động của CPTPP tới nền kinh tế phụ thuộc rất lớn vào năng lực nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức của chính Việt Nam.
|
CPTPP được ký kết tại Chile vào ngày 8 tháng 3 năm 2018. |
Hiệp định CPTPP đã chính thức có hiệu lực từ ngày 30/12/2018 đối với nhóm 6 nước đầu tiên hoàn tất thủ tục phê chuẩn Hiệp định, gồm Mexico, Nhật Bản, Singapore, New Zealand, Canada và Úc.
Đối với Việt Nam, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về việc phê chuẩn Hiệp định CPTPP và các văn kiện có liên quan vào ngày 12/11/2018. Theo đó, Hiệp định sẽ có hiệu lực đối với Việt Nam từ ngày 14/1/2019.
Với những cam kết mang tính toàn diện, tiêu chuẩn cao và cân bằng, CPTPP sẽ giúp tăng cường mối liên kết cùng có lợi giữa các nền kinh tế thành viên và thúc đẩy thương mại, đầu tư và tăng trưởng kinh tế trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Hiệp định CPTPP tạo nên một khu vực kinh tế tự do khổng lồ, có phạm vi thị trường khoảng 500 triệu người dân và chiếm 13% GDP toàn cầu, bao gồm Nhật Bản là nền kinh tế lớn thứ ba trên thế giới. CPTPP thống nhất các quy định về đầu tư và dịch vụ đối với rất nhiều lĩnh vực, từng bước bãi bỏ thuế quan đối với các sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp. Việc tham gia CPTPP về tổng thể là có lợi cho Việt Nam.
Tính toán của Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) cho thấy, CPTPP sẽ giúp GDP Việt Nam tăng thêm 1,7 tỷ USD, hơn 4 tỷ USD xuất khẩu, tăng tương ứng 1,32% và 4,04% đến năm 2035.
Không chỉ mở ra những cơ hội mới về giao thương, CPTPPvới những tiêu chuẩn cao còn tạo thêm động lực để Việt Nam cải cách thể chế kinh tế, cải thiện môi trường kinh doanh.
|
GDP của các nước thành viên CPTPP và tỷ trọng so với toàn cầu năm 2017. |
Nội dung chính của CPTPP
Hiệp định CPTPP gồm 7 Điều và 1 Phụ lục quy định về mối quan hệ với Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được 12 nước gồm Úc, Brunei, Canada, Chile, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam ký ngày 6/2/2016 tại New Zealand; cũng như xử lý các vấn đề khác liên quan đến tính hiệu lực, rút khỏi hay gia nhập Hiệp định CPTPP.
Theo Bộ Công Thương, về cơ bản, Hiệp định CPTPP giữ nguyên nội dung của Hiệp định TPP (gồm 30 chương và 9 phụ lục) nhưng cho phép các nước thành viên tạm hoãn 20 nhóm nghĩa vụ để bảo đảm sự cân bằng về quyền lợi và nghĩa vụ của các nước thành viên trong bối cảnh Hoa Kỳ rút khỏi Hiệp định TPP.
20 nhóm nghĩa vụ tạm hoãn này bao gồm 11 nghĩa vụ liên quan tới Chương Sở hữu trí tuệ, 2 nghĩa vụ liên quan đến Chương Mua sắm của Chính phủ và 7 nghĩa vụ còn lại liên quan tới 7 Chương là Quản lý hải quan và Tạo thuận lợi Thương mại, Đầu tư, Thương mại dịch vụ xuyên biên giới, Dịch vụ Tài chính, Viễn thông, Môi trường, Minh bạch hóa và Chống tham nhũng. Tuy nhiên, toàn bộ các cam kết về mở cửa thị trường trong Hiệp định TPP vẫn được giữ nguyên trong Hiệp định CPTPP.
Theo Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công Thương), cơ hội và thách thức từ CPTPP, cái nào nhiều hơn sẽ phụ thuộc rất lớn vào năng lực nắm bắt cơ hội và vượt qua thách thức của chính Việt Nam. Xét về năng lực thì mỗi thời mỗi khác, mỗi ngành mỗi khác, nên trước khi một FTA được đưa vào thực thi, bao gồm cả TPP11, rất khó để nói cơ hội sẽ nhiều hơn hay thách thức sẽ nhiều hơn.
Tuy nhiên, nếu nhìn lại chặng đường hơn 20 năm đổi mới và hội nhập kinh tế quốc tế thì dường như Việt Nam đang nắm bắt được nhiều cơ hội hơn.
|
Nguồn: Ngân hàng Thế giới. Đồ họa: Zing |
Đơn cử, khi lần đầu hội nhập với ASEAN vào năm 1995, xuất khẩu của ta mới hơn 5 tỷ USD. Cuối năm 2006, khi kết thúc đàm phán gia nhập WTO, xuất khẩu đã là 40 tỷ USD, tăng hơn 7 lần so với năm 1995. Đến 2018, xuất khẩu đã lên tới 245 tỷ USD, gấp 45 lần năm 1995 và hơn 6 lần năm 2006. Từ một nước nhập siêu kinh niên, ta đã chuyển sang xuất siêu từ năm 2012 và tới năm 2018 đã đạt giá trị xuất siêu trên 7 tỷ USD.
TPP11 sẽ mang lại một số cơ hội bởi đây là lần đầu tiên ta có quan hệ FTA với Canada, Mexico và Peru. Tuy nhiên, như mọi FTA khác, TPP11 không phải là "mỏ vàng lộ thiên".
"Đường đã thông nhưng xe có chạy được không và đi được bao xa còn tùy thuộc vào chất lượng xe và lượng xăng nhiều ít. Thị trường đã mở nhưng nếu không chủ động tìm hiểu, thâm nhập thì cũng không chiếm lĩnh được. Với kinh nghiệm của hơn 20 năm hội nhập và cạnh tranh, xuất khẩu lại luôn tăng nhanh hơn nhập khẩu, thật sự không có lý do để bi quan với TPP11, nhất là khi Canada, Mexico và Peru đều là những thị trường mà ta đang xuất siêu", đại diện Vụ Chính sách thương mại đa biên nhận định.
Quá trình hình thành CPTPP
Tháng 3/2010, Việt Nam tham gia vòng đàm phán chính thức đầu tiên của Hiệp định TPP, được khởi động tại thành phố Melbourne, Úc.
Tháng 2/2016, Việt Nam cùng các nước thành viên ký kết Hiệp định TPP tại New Zealand.
Tháng 1/2017, Hoa Kỳ tuyên bố rút khỏi Hiệp định TPP. Tháng 11/2017, 11 nước còn lại đã thống nhất đổi tên Hiệp định TPP thành Hiệp định CPTPP (hay còn gọi là TPP11).
Ngày 8/3/2018, các Bộ trưởng của 11 nước tham gia Hiệp định CPTPP đã chính thức tham gia Lễ ký Hiệp định CPTPP tại thành phố Santiago, Chile.
Các nước tham gia CPTPP có tổng GDP: 10,2 nghìn tỷ USD, chiếm hơn 13% trong tổng GDP toàn cầu. Tổng dân số: 495 triệu người, chiếm 6,8% dân số thế giới.
|