Hội nghị năm nay đặt trọng tâm vào nghiên cứu, ứng dụng Blockchain trong các lĩnh vực y tế, sức khỏe, giáo dục với sự góp mặt của các chuyên gia hàng đầu đến từ Pháp, Nga, Hàn Quốc...
Tại buổi giới thiệu Hội nghị do SHTP tổ chức ngày 6/11 tại TPHCM, bà Lê Bích Loan, Quyền Trưởng Ban quản lý SHTP, cho biết, nhằm tăng cường hiệu quả hợp tác nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và thương mại hóa sản phẩm công nghệ cao, phát triển chuỗi cung ứng nội địa giữa các đối tác trong và ngoài nước, Hội nghị Quốc tế Thường niên SHTP được tổ chức hàng năm theo chủ đề dựa trên định hướng phát triển chung của Thành phố và thế giới.
Hội nghị quốc tế thường niên lần thứ 6
năm 2019 sẽ được tổ chức vào ngày 8/11
tại TPHCM với chủ đề: “Công nghệ Blockchain cho đô thị thông minh”.
Cùng sự phát triển mạnh mẽ của cuộc CMCN 4.0, công nghệ Blockchain được xác định sẽ là công nghệ cốt lõi trong các ứng dụng cho đô thị thông minh, bởi việc ứng dụng công nghệ này sẽ giúp các hoạt động được đảm bảo tính minh bạch, loại bỏ đơn vị trung gian, tăng tính bảo mật, dễ tiếp cận, tiết kiệm chi phí,… Trong những năm qua, cộng đồng công nghệ Blockchain Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng đã bước đầu nghiên cứu và ứng dụng công nghệ Blockchain thành công trong một số lĩnh vực, hướng đến xây dựng đô thị thông minh.
“Ban Quản lý SHTP nhận thấy sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ Blockchain, và được sự chấp thuận của UBND TPHCM, SHTP tiếp tục tổ chức hội nghị lần thứ 6 với chủ đề Công nghệ Blockchain cho đô thị thông minh” - bà Loan chia sẻ.
Nội dung Hội nghị năm nay đặt trọng tâm vào nghiên cứu, ứng dụng Blockchain trong các lĩnh vực y tế, sức khỏe, giáo dục,… Tại Hội nghị, các nhà khoa học như GS Phạm Hi Đức (Trưởng khoa Tài chính định lượng tại Trường Đại học Kỹ thuật - ECE Paris, Pháp), TS Kamolov Sergei (Đại học Quốc gia Quan hệ Quốc tế Moskva, Nga), ông Sean Moss-Pultz (Công ty Bitmak), GS BK Suh (Đại học Kyungbuk, Hàn Quốc) và các chuyên gia đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu, doanh nghiệp trong nước sẽ chia sẻ kinh nghiệm nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ Blockchain vào thực tiễn.
Qua 5 kỳ tổ chức, Hội nghị đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần hình thành các liên kết hợp tác phát triển công nghệ cao và thương mại hóa các sản phẩm công nghệ cao từ hoạt động nghiên cứu triển khai. Hội nghị đầu tiên được tổ chức vào năm 2013 với chủ đề “Thúc đẩy thương mại hóa các công nghệ cao có tiềm năng”, đã ghi nhận các hợp tác nghiên cứu chế tạo và thương mại hóa sản phẩm vi mạch - bán dẫn, giữa Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo thiết kế vi mạch - ICDREC (Đại học Quốc gia TPHCM) và Trung tâm Nghiên cứu triển khai Khu CNC - SHTPLabs trong đề tài nghiên cứu thiết kế chế tạo cảm biến; hay hợp tác giữa Đại học Illinois và Công ty Quang lượng tử Việt Mỹ UVP (doanh nghiệp trong SHTP) để chế tạo một loạt sản phẩm bán dẫn cao cấp như diode Schottky, Fred…
Tiếp theo đó, các Hội nghị lần lượt diễn ra với các chủ đề: Các tiến bộ của Kỹ thuật Y sinh thông qua Ứng dụng Công nghệ Bán dẫn; Ứng dụng của IoT cho Đô thị thông minh và chất lượng cuộc sống; Ứng dụng công nghệ và vật liệu nano; Robot và Trí tuệ nhân tạo.