Tại Ngày Khoa học Đức 2019 – German Science Day diễn ra mới đây ở Hà Nội, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã trình bày kết quả của một số dự án song phương điển hình, với mong muốn tìm kiếm sự hỗ trợ và kết nối với các đối tác có cùng mối quan tâm để phát triển dự án trở thành mô hình giải pháp cho các vấn đề mang tính toàn cầu.
Ngày Khoa học Đức là một sự kiện quan trọng để các nhà khoa học chia sẻ, kết nối, hình thành nên những đề tài nghiên cứu chung.
Mở đầu sự kiện diễn ra hôm 30/10, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy phát biểu: “Hiệp định về hợp tác Khoa học và Công nghệ giữa hai chính phủ được ký kết từ năm 2015, và được đưa vào thực hiện từ năm 2017. Kể từ đó đến nay, rất nhiều những dự án nghiên cứu chung đã được thiết lập. Chúng tôi nhận thấy rằng các chương trình đã thắt chặt hơn mối quan hệ giữa các nhà nghiên cứu, các đơn vị nghiên cứu giữa Việt Nam và Đức. Trong một bối cảnh mà có rất nhiều vấn đề nhận được sự quan tâm của cả hai quốc gia: biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, nước sạch, xử lý dịch bệnh…, Ngày Khoa học Đức trở thành một sự kiện quan trọng để các nhà khoa học chia sẻ, kết nối, hình thành nên những đề tài nghiên cứu chung.”
Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy phát biểu mở đầu sự kiện.
Đồng tình với nhận định đó, bà Kathrin Meyer cũng thể hiện mong muốn thông qua mối quan hệ hợp tác này, hai nước sẽ tạo ra được những mục tiêu và sức mạnh chung để có được những lợi ích của riêng mình, cùng với đó tìm ra được những kết quả mới để có thể chia sẻ cho những nước khác, giải quyết những vấn đề toàn cầu.
“Phối hợp và liên kết về mặt học thuật giữa Đức và Việt Nam đã có truyền thống lâu đời. Tiếp nối truyền thống đó, hôm nay các nhà khoa học sẽ trình bày dự án của mình, tôi mong rằng các bạn sẽ lắng nghe, kết nối với nhau. Chúng tôi mong muốn có thể thúc đẩy sự hỗ trợ, hợp tác phát triển giữa các trường Đại học và các cơ sở nghiên cứu giữa Đức và Việt Nam.”
Hợp tác phát triển về khoa học công nghệ giữa Việt Nam và CHLB Đức hiện nay tập trung ở bốn chương trình lớn, bao gồm: Chương trình Y tế và phát triển đô thị bền vững; Chương trình kinh tế sinh học; Chương trình CLIENT II Đối tác quốc tế về đổi mới bền vững; Chương trình Đổi mới Sáng tạo dành cho các viện/trường và doanh nghiệp vừa và nhỏ (ZIM).
Tại Ngày Khoa học Đức 2019, các chuyên gia, nhà nghiên cứu đã trình bày những dự án tiêu biểu thuộc bốn chương trình này, với mong muốn tìm kiếm sự hỗ trợ và kết nối giữa các đối tác có cùng mối quan tâm, từ đó phát triển dự án trở thành mô hình giải pháp cho các vấn đề mang tính toàn cầu.
Trong số những dự án được trình bày, có những dự án đã hoàn thành, tiêu biểu là dự án “Giải pháp cấp nước sạch từ lòng đất” (KaWaTech Solutions, 2016-2019) nhằm giải quyết tình trạng khan hiếm nước sạch ở một số tỉnh ở Việt Nam. Đây được xem là dự án 2 của dự án “Nghiên cứu triển khai công nghệ khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên nước ở các vùng núi đá vôi Việt Nam, áp dụng thử nghiệm ở một số khu vực thuộc Công viên Địa chất Toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang” (KaWaTech).
Cả hai dự án kéo dài trong 6 năm, với mục tiêu cung cấp 100 lít nước sạch cho mỗi người dân mỗi ngày, cho khoảng 10.000 người dân ở huyện Đồng Văn và các xã lân cận. Trong khuôn khổ dự án, các chuyên gia sẽ tiếp tục tư vấn và đồng hành trong giai đoạn vận hành ổn định để có thể đảm bảo công tác chuyển giao công nghệ hiệu quả và bền vững.
Các chuyên gia cũng thể hiện mong muốn có thể mở rộng dự án ra những khu vực đang đối mặt với vấn đề khan hiếm nguồn nước. “Dù dự án không thể áp dụng y nguyên ở những nơi khác do điều kiện địa hình ở mỗi nơi khác nhau, nhưng có thể là tiền đề, là gợi ý để áp dụng lên những địa phương khác” – TS. Peter Oberle, đại diện dự án, kết luận.
Các chuyên trao trao đổi về tiến độ thực hiện các hạng mục dự án KaWaTech tại trạm thủy điện Xéo Hồ, xã Thài Phìn Tủng. Ảnh: baohagiang
Cùng chung mục tiêu chuyển giao kết quả, phương pháp và công cụ cho các thành phố cùng đối mặt với những vấn đề nghiêm trọng, dự án “Các quyết định cho thiết kế lộ trình thích ứng và chiến lược phát triển toàn diện, đánh giá và quản trị giảm thiểu rủi ro lũ lụt trong thay đổi hệ thống nông thôn – thành thị”(DECIDER, 2019-2022) đặt ra mục tiêu đóng góp bền vững vào việc giảm rủi ro lũ lụt ở các thành phố ven biển trên thế giới. Dự án đang trong giai đoạn tiến hành ban đầu, và sẽ “hỗ trợ việc thực hiện không chỉ các mục tiêu giảm nhẹ thiên tai toàn cầu, mà còn cả thích ứng biến đổi khí hậu và cuối cùng là phát triển bền vững nói chung,” TS. Emlyn Yan, đại diện dự án DECIDER, trình bày tại sự kiện.
Các dự án được trình bày tại Ngày Khoa học Đức 2019 đều cho thấy những ý tưởng mới về khoa học công nghệ, sự hợp tác tích cực của các bên liên quan trong việc giải quyết các vấn đề mang tính phức tạp và liên ngành.