Vượt qua 9 đối thủ, Dự án SMILEE đã xuất sắc đoạt giải nhất trị giá 10.000 USD tại Vòng Chung kết Chương trình Tăng tốc Khởi nghiệp Sáng tạo dành cho phụ nữ (WISE Women Accelerator 2019) diễn ra ngày 30/10 tại TPHCM.
Dự án SMILEE do bà Nguyễn Thị Kiều Linh, Giám đốc Công ty Cổ phần Smilee Việt, sáng lập là mô hình cung cấp các sản phẩm làm trắng răng định kỳ đầu tiên tại Việt Nam. Sau khi đăng ký sử dụng dịch vụ, đều đặn hàng tháng, khách hàng sẽ nhận được hộp làm trắng răng được chuyển đến tới nhà mà không hề tốn chi phí vận chuyển. Tùy vào nhu cầu, khách hàng có thể tiếp tục sử dụng hay hủy bỏ việc đăng ký gói này bất kỳ lúc nào.
Sản phẩm được nghiên cứu và sản xuất theo công nghệ Hoa Kỳ, đạt chuẩn ISO: 22716-2017. Smilee sử dụng baking soda dạng gel thay vì baking soda dạng bột truyền thống để nâng cao hiệu quả làm trắng. Đồng thời bảo vệ men răng trước tẩy trắng trong baking soda thông thường. Các sản phẩm của Smilee giúp khách hàng bảo vệ và cải thiện men răng hoàn toàn tự nhiên nhờ các dưỡng chất chiết xuất từ lô hội, cúc la mã, lựu, bạc hà,…
Tính đến thời điểm hiện tại, SMILEE đã phục vụ cho hơn 10 ngàn khách hàng với tỷ lệ giữ chân là 62%. Bà Linh cho biết, trong tương lai, SMILEE muốn đa dạng hóa thêm các dòng sản phẩm của mình với kem đánh răng, nước súc miệng làm trắng răng và sẽ ra thêm dòng sản phẩm mới dùng cho nam giới.
Các dự án khác cũng mang đến Chương trình những mô hình kinh doanh sử dụng công nghệ độc đáo. Có thể kể đến dự án bột rau củ sấy lạnh Tâm An được thực hiện theo mô hình liên kết và kiểm soát theo chuỗi từ khâu trồng cho tới khi chế biến, bảo quản. Các sản phẩm được trồng theo hướng sinh thái, không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, kích thích tăng trưởng, phân bón hóa học. Công nghệ sấy lạnh được chuyển giao công nghệ từ Viện Cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch. Đồng thời, nhóm thực hiện dự án còn nghiên cứu thêm các cách sấy đối với từng loại sản phẩm để có thể giữ được màu sắc ban đầu và không làm mất giá trị dinh dưỡng có trong rau củ.
Hay dự án Tubudd được thực hiện trên nền tảng công nghệ thông minh, kết nối người du lịch với những người bạn bản địa trên khắp thế giới để có thể trải nghiêm du lịch ấn tượng, độc đáo. Dự án đã được thực hiện trên 10 nước với hơn 20 thành phố trên khắp thế giới, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam với hơn 500 người bạn bản địa tham gia.
Chính thức ra mắt vào tháng 3/2017, Sáng kiến Hỗ trợ Phụ nữ Khởi nghiệp và Kinh doanh (WISE), được hỗ trợ bởi Chính phủ Úc và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), Chương trình Hỗ trợ Doanh nghiệp của Chính phủ Thụy Sỹ (Swiss EP) và Không gian Khởi nghiệp Đổi mới Sáng tạo (SIHUB).
WISE hợp tác với mạng lưới các tổ chức, chương trình khởi nghiệp và hỗ trợ phụ nữ trong khu vực Mê Kông, thực hiện các hoạt động đa dạng nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp nữ như kết nối với các chương trình cố vấn khởi nghiệp, đào tạo nâng cao năng lực, tiếp cận đầu tư và thị trường,…
Sứ mệnh của WISE là kiến tạo các cơ hội công bằng giúp phụ nữ Việt nam và khu vực Mê Kông thành công trong khởi nghiệp và kinh doanh.
WISE Women Accelerator là một trong chuỗi những hoạt động nằm trong Chương trình của WISE với mục tiêu truyền cảm hứng, hỗ trợ và thúc đẩy các founder nữ khởi nghiệp và tăng trưởng thành công. WISE Women Accelerator còn là chương trình tăng tốc khởi nghiệp duy nhất tại Việt Nam dành riêng cho phụ nữ được WISE tổ chức hàng năm.
Khi được trao quyền, phụ nữ sẽ tỏa sáng
Bà Từ Thu Hiền, Nhà sáng lập kiêm Giám đốc WISE, cho biết, mặc dù phải đối mặt với nhiều thách thức trong khởi nghiệp và kinh doanh hơn nam giới, các nhà khởi nghiệp nữ có rất nhiều tiềm năng và đang tạo ra những bước phát triển ấn tượng, nhất là khi họ nhận được những hỗ trợ phù hợp. Cụ thể là các startup tham gia WISE Accelerator 2018 đã có những thành tựu vượt bậc như gọi vốn thành công 2,5 triệu USD, đạt tốc độ tăng trưởng doanh thu trên 100%/năm. Nhiều startups giành được những giải thưởng khởi nghiệp xuất sắc trong và ngoài nước, mở rộng được mạng lưới kinh doanh ra các thị trường khu vực và quốc tế.
Bà Lê Hoàng Uyên Vy, Giám đốc Quỹ đầu tư ESP, thành viên Ban Giám khảo đánh giá, mặc dù công nghệ là lĩnh vực mà sự tham gia của các founder nữ còn chưa nhiều, song các founder nữ của WISE Accelerator 2019 đã đưa ra được những mô hình kinh doanh sử dụng công nghệ độc đáo, thú vị. Đây cũng là cơ hội tốt cho các quỹ đầu tư đang tìm kiếm các startup tiềm năng như ESP. “Khi trao quyền cho phụ nữ, họ sẽ tỏa sáng và chúng tôi mong muốn được đầu tư, đồng hành nhiều hơn cùng các startups nữ” – bà Vy chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Thu, chủ dự án bột rau củ sấy lạnh Tâm An, cho biết, tham gia WISE Women Accelerator, dự án đã nhận được nhiều sự hỗ trợ cụ thể, luôn lắng nghe và tìm đúng chuyên gia có thể giải quyết những vướng mắc mà startup gặp phải. Ngoài ra, Chương trình đã thiết kế các hoạt động hỗ trợ phù hợp với các nhu cầu, tiềm năng và thế mạnh của các founder nữ. “Đồng thời Chương trình tạo ra được một cộng đồng giúp chúng tôi trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm và học hỏi lẫn nhau một cách hiệu quả” – bà Thu nói.