Chỉ cần bấm nút trên điện thoại, người dùng có thể ngồi một chỗ mà bật tắt các công tắc điện trong nhà. Đây là “bộ điều khiển hỗ trợ người khuyết tật” do hai học sinh lớp 9 ở Nha Trang chế tạo, vừa xuất sắc giành giải nhất Cuộc thi Nhà khoa học Trẻ NHG.
Chứng kiến cuộc sống của một người quen là người khuyết tật, với vật bất li thân là đôi nạng và chiếc xe lăn, các em Võ Lê Mai Anh, Lê Ngọc Kim Nguyên và Võ Anh Khôi (học sinh lớp 9/3, trường iSchool Nha Trang) hiểu được khó khăn mà những người khuyết tật phải đối mặt. Mong muốn giúp cho cuộc sống của họ trở nên thuận tiện hơn, không phải tốn nhiều công sức đi lại để giải quyết các vấn đề thường ngày như tắt mở các hệ thống điện trong và ngoài nhà, các em đã có ý tưởng thiết kế, chế tạo “Công tắc WIFI - Bộ điều khiển hỗ trợ người khuyết tật”. Đây cũng là dự án đoạt giải nhất Cuộc thi "Nhà khoa học Trẻ NHG" - hoạt động thường niên do Tập đoàn giáo dục Nguyễn Hoàng (NHG) tổ chức cho học sinh khối phổ thông thuộc hệ thống giáo dục của NHG vào tháng 4 vừa qua.
“Công tắc WIFI” gồm một hộp xử lí được kết nối với điện thoại Android thông qua mạng wifi dùng để giám sát và điều khiển thiết bị điện. Hộp xử lí có kích thước bằng hộp điện gia dụng, có thể lắp âm tường hoặc hộp điện lắp nổi. Số công tắc tối đa cho mỗi hộp là ba công tắc, phụ thuộc và kích thước vỏ hộp. Phần điều khiển sản phẩm được thao tác hoàn toàn trên điện thoại. Sau khi đã kết nối với hộp xử lí, người điều khiển có thể xác định trạng thái và điều khiển tắt/mở. Sản phẩm sử dụng kỹ thuật NAT port để có thể điều khiển dù bất kì nơi đâu, chỉ cần được kết nối internet.
Mai Anh cho biết, để chế tạo sản phẩm, nhóm được thầy giáo Võ Duy Phương tư vấn tận tình và nghiên cứu khá kỹ lý thuyết về điện tử cơ bản; lập trình xử lý cho ESP 8266 (chip tích hợp Wi-Fi 2.4Ghz có thể lập trình được); lập trình điều khiển với điện thoại Android; giao thức mạng TCP/IP (là một tập hợp các giao thức điều khiển truyền thông giữa tất cả các máy tính trên Internet); kỹ thuật NaT port (kỹ thuật mở mạng, giúp xem camera qua internet với mọi thiết bị).
Với một ứng dụng đơn giản trên Smartphone, người dùng sản phẩm “Công tắc WIFI” có thể dễ dàng bật tắt công tắc điện dù ở bất cứ đâu chỉ bằng chiếc điện thoại trên tay. Mai Anh cho biết thêm, sản phẩm có thể phát triển các ứng dụng cho nhà thông minh, đặc biệt là không cần phải can thiệp sâu vào hệ thống điện đã có sẵn.
Ngoài ra, số lượng thiết bị điều khiển có thể mở rộng tùy nhu cầu của người sử dụng. “Trong tương lai, chúng em sẽ tiếp tục nghiên cứu để tích hợp thêm những tiện ích khác bằng chính thiết bị này như ghi âm, chụp ảnh…” – Mai Anh chia sẻ về dự định của nhóm trong thời gian tới.
Kiều Anh