Đó là thông điệp trong bài nói chuyện về triết lý kinh doanh của ông Kazuyoshi Miyajima – Phó Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn FANCL (Nhật Bản) – với các sinh viên của Đại học Việt Nhật (VJU) vào hôm 13/04/2018.
Có trụ sở đặt tại thành phố cảng Yokohama xinh đẹp, FANCL là một công ty hàng đầu với hơn 30 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực mỹ phẩm, thực phẩm chức năng không chứa chất phụ gia. Đây là một nét đặc trưng điển hình của các doanh nghiêp Nhật Bản – thường đi theo hướng áp dụng công nghệ tiên tiến, tự phát triển và bán các sản phẩm chất lượng, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và đem lại lợi ích cho toàn xã hội.
Dù có doanh số năm 2017 lên đến 1 tỷ 70 triệu USD, lãi ròng (sau khi trừ thuế) hơn 80 triệu USD, và đang quản lý hơn 3000 nhân viên, song ông Miyajima luôn khiêm tốn, tự nhận công ty của mình chỉ ở quy mô vừa, thậm chí quá nhỏ bé so với các tập đoàn khổng lồ của Nhật Bản. Có một thực tế nghiệt ngã mà các công ty ở xứ sở Mặt trời mọc vẫn hay phải đối mặt, đó là lời nguyền về sự thoái trào sau khoảng 30 năm hoạt động, chỉ một số ít có thể trụ được đến cột mốc 50, và phần đông sau đó đều bị thua lỗ, giải thể, đóng cửa hoặc phải bán mình. Để vượt qua cái dớp ấy, ngay từ khi mới thành lập công ty vào năm 1980, ông Kenji Ikemori đã hoạch định chiến lược cho FANCL là theo đuổi sự khác biệt trong lĩnh vực mỹ phẩm, thực phẩm chức năng không chất phụ gia. Sau nhiều năm, đội ngũ nhân sự của FANCL qua các thế hệ vẫn luôn trung thành với sứ mạng đó.
Thập niên 1980 là thời kỳ mà ngành công nghiệp mỹ phẩm Nhật Bản phải đối mặt với cơn khủng hoảng vì cáo buộc sử dụng các chất phụ gia như Parabens, Diethanolamine (DEA), Triethanolamine (TEA) và Monoethanolamine (MEA), … gây nhiều tác hại cho người sử dụng, trong đó không ít trường hợp phải nhập viện, thậm chí tử vong do tác dụng phụ. Tuy nhiên, đó cũng lại là cơ hội lớn của FANCL khi công ty quyết định đi theo hướng tự nghiên cứu các sản phẩm hoàn toàn “tự nhiên”, tức không chứa chất bảo quản và chỉ để sử dụng trong thời gian ngắn sau khi mở nắp.
Ông Miyajima cho biết FANCL đã đầu tư rất nhiều nguồn lực cho nghiên cứu và quảng cáo. Để cho ra lò những tuýp kem dưỡng da có dung tích lớn (từ 15 ml trở lên) so với chỉ 5ml ban đầu, FANCL thậm chí đã mất đến 12 năm cùng rất nhiều tiền bạc. Bên cạnh đó, chi tiêu cho quảng cáo và bán hàng mỗi năm của công ty cũng luôn xấp xỉ ở mức 70 triệu USD, qua nhiều kênh như chuỗi cửa hàng, hệ thống siêu thị, và qua mạng. Như ông Miyajima nhận định: hoạt động tiếp thị và bán hàng online đang ngày càng chiếm tỷ lệ quan trọng trong doanh số của FANCL.
Vào đầu những năm 1990, FANCL bắt đầu tiến công vào mảng “thực phẩm chức năng”, và gần như là đơn vị đầu tiên giới thiệu khái niệm này đến với người tiêu dùng Nhật Bản. Sản phẩm sữa ong chúa Royal Jelley – có tác dụng hỗ trợ điều trị chứng loét miệng do thiếu vitamin nhóm B, sau khi được tung ra thị trường với giá bán chỉ 9.800 Yên Nhật (chỉ bằng một nửa so với các đối thủ cạnh tranh) thực sự đã mang lại thành công vang dội cho FANCL. Nhưng cũng chính vì thế mà công ty đã phải đối mặt với rất nhiều cáo buộc, tin đồn bôi xấu và nguy cơ kiện tụng, phần nhiều là do âm mưu của các đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên, bằng sản phẩm với chất lượng vượt trội của mình, cùng với sự sáng tạo, kiên trì và nhẫn nại, FANCL đã lần lượt vượt qua mọi khó khăn và vững bước trên con đường phát triển.
Nhà sáng lập Kenji Ikemori từng nói với các nhân viên làm việc tại FANCL, rằng: “Đừng bao giờ bắt chước người khác”, nhất là hoạt động làm ăn gian dối, thể hiện sự thiếu trách nhiệm đối với cộng đồng. Trên tinh thần ấy, khi được đề nghị đưa ra lời khuyên cho các doanh nghiệp Việt Nam, ông Kazuyoshi Miyajima nhấn mạnh: “Các doanh nghiệp nhỏ, trước quá nhiều sức ép của thị trường, vẫn có thể tạo nên sức khác biệt và khẳng định vị thế của mình, nếu biết kiên trì và đừng bao giờ xa rời sự tử tế”