Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh và Đại học Quốc gia Hà Nội lần đầu tiên lọt vào danh sách 1.000 trường đại học hàng đầu thế giới trong bảng xếp hạng World University Rankings 2019 của tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds (QS).

Năm 2018, QS tiến hành đánh giá 4.763 trường đại học tại 151 quốc gia trên khắp thế giới, nhiều hơn so với năm ngoái 463 trường. Bảng xếp hạng được công bố vào ngày 6/6 bao gồm 1.011 trường đại học thuộc 85 quốc gia khác nhau.

Hai trường đại học của Việt Nam lần đầu tiên xuất hiện trong bảng xếp hạng QS World University Rankings. Nguồn: Ảnh chụp màn hình QS Top Universities.
Hai trường đại học của Việt Nam lần đầu tiên xuất hiện trong bảng xếp hạng QS World University Rankings. Nguồn: Ảnh chụp màn hình QS Top Universities.

Trong số 60 trường lần đầu lọt vào bảng xếp hạng, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đứng ở vị trí xếp hạng 701 – 750. Trong khi đó, Đại học Quốc gia Hà Nội nằm trong nhóm 801 – 1000.

Tiếp tục duy trì ở vị trí đứng đầu là bốn trường đại học của Mỹ bao gồm: Viện Công nghệ Massachusetts (xếp thứ nhất trong 7 năm liên tiếp), Đại học Stanford (xếp thứ 2), Đại học Harvard (xếp thứ 3) và Viện Công nghệ California (xếp thứ 4). Đứng ở vị trí thứ 5 là Đại học Oxford, Anh.

Tại khu vực Đông Nam Á, hai trường đại học của Singapore là Đại học Quốc gia Singapore (NUS) đứng ở vị trí 11 và Đại học Công nghệ Nanyang (NTU) đứng ở vị trí 12 trong bảng xếp hạng.

Bảng xếp hạng QS World University Rankings là ấn phẩm hàng năm của tổ chức QS có trụ sở tại London (Anh), được xuất bản lần đầu tiên năm 2004. Đây là một trong ba bảng xếp hạng được tham khảo nhiều nhất thế giới cùng với bảng xếp hạng Academic Ranking of World Universities (ARWU) và Times Higher Education World University Rankings.

QS xếp hạng các trường đại học dựa trên 6 chỉ tiêu: danh tiếng học thuật (40%), đánh giá của nhà tuyển dụng (10%), số trích dẫn/giảng viên (20%), tỷ lệ giảng viên/sinh viên (20%), tỷ lệ giảng viên quốc tế (5%), tỷ lệ sinh viên quốc tế (5%).

Theo QS, để đủ điền kiện lọt vào bảng xếp hạng QS World University Rankings, một trường đại học phải giảng dạy ở nhiều cấp độ nghiên cứu (cả đại học và sau đại học). Các lĩnh vực đào tạo có ít nhất hai trong số năm lĩnh vực sau: nghệ thuật và nhân văn; kỹ thuật và công nghệ; khoa học xã hội và quản lý; khoa học tự nhiên; khoa học đời sống và y học.

Trong bảng xếp hạng các trường đại học theo khu vực Châu Á của QS (QS Regional University Rankings – Asia) năm 2018, Đại học Quốc gia Hà Nội xếp ở vị trí 139, Đại học Quốc gia TP.HCM xếp ở vị trí 142, tăng 5 bậc so với năm 2017.

Ba trường đại học khác của Việt Nam cũng xuất hiện trong bảng xếp hạng này là Đại học Bách khoa Hà Nội (vị trí 291 – 300), Đại học Cần Thơ (301 – 350) và Đại học Huế (351 – 400).


Năm 2015Năm 2016Năm 2017Năm 2018
Đại học Quốc gia Hà Nội161 – 170191 – 200139139
Đại học Quốc gia TP.HCM191 – 200201 – 250147142
Đại học Bách khoa Hà Nội251 – 300
301 – 350291 – 300
Đại học Cần Thơ

251 – 300301 – 350
Đại học Huế

301 – 350351 – 400
Vị trí của một số trường đại học ở Việt Nam trong Bảng xếp hạng trường đại học theo khu vực Châu Á của QS trong giai đoạn 2015 – 2018. Nguồn: QS Regional University Rankings – Asia.