Tại đây, GS Nguyễn Hữu Đức, Phó giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội – người được Bộ trưởng Nhạ giao chủ trì nghiên cứu vấn đề xếp hạng đại học trong một năm qua – đã đề xuất các đại học Việt Nam nên tham gia bảng xếp hạng QS bởi chỉ có bảng xếp hạng này là phù hợp nhất với điều kiện hiện có của chúng ta.
Trước đó, từ năm 2012, Đại học FPT đã trở thành đại học đầu tiên ở Việt Nam được đánh giá 3 sao theo chuẩn QS. Và mới đây nhất, Đại học VinUni cũng cho biết, trường đặt mục tiêu đạt 5 sao QS trong vòng 5-10 năm đầu đi vào hoạt động.
Vậy hệ thống xếp hạng và đánh giá chất lượng theo số sao của QS có bản chất là như thế nào và lý do vì sao chúng cùng song song tồn tại?
Danh tiếng quyết định 50% thứ hạng
Bảng xếp hạng đại học thế giới QS (QS World University Rankings) được tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds của Anh công bố hằng năm. Đây là một trong những bảng xếp hạng được tham khảo nhiều nhất hiện nay, bên cạnh bảng xếp hạng THE của tạp chí Time Higher Education hay bảng xếp hạng ARWU của ĐH Giao thông Thượng Hải.
Trước khi trở thành đối thủ thì QS và THE đã từng là đối tác, cùng nhau công bố bảng xếp hạng đại học thế giới Times Higher Education–QS từ năm 2004 đến năm 2009.
Kể từ năm 2010, QS công bố bảng xếp hạng của riêng mình dựa trên 6 tiêu chí: danh tiếng trong giới học thuật dựa trên khảo sát toàn cầu (40%); danh tiếng đối với các chủ doanh nghiệp dựa trên khảo sát toàn cầu (10%); tỉ lệ giảng viên/sinh viên (20%); số lần được trích dẫn/giảng viên (20%); tỉ lệ sinh viên quốc tế (5%), và tỉ lệ giảng viên quốc tế (5%).
Sáu năm nay, MIT liên tục đứng số 1 trong Bảng xếp hạng đại học thế giới QS. Trong ảnh: Phòng thí nghiệm Khoa học máy tính và Trí tuệ nhân tạo thuộc MIT. Nguồn: Wikipedia
Ngày nay, bên cạnh bảng xếp hạng tổng thể 100 hoặc 1.000 đại học hàng đầu trên toàn cầu, QS còn công bố bảng xếp hạng các trường theo ngành học (những trường hàng đầu ở 48 ngành thuộc 5 lĩnh vực Nghệ thuật và Nhân văn, Kỹ thuật và Công nghệ, Khoa học sự sống và Y học, Khoa học tự nhiên, và Khoa học xã hội và Quản trị); theo khu vực (châu Á, Mỹ Latin, Trung Á, các nước mới nổi ở châu Âu, các nước trong khối Arab và BRICS); theo cơ hội có việc làm sau tốt nghiệp; và bảng xếp hạng 100 trường đại học dưới 50 tuổi hàng đầu.
Các trường đại học có tên trên các bảng xếp hạng của QS không mất chi phí nào.
Bảng xếp hạng đại học thế giới QS được cho là đã tác động đến những tầng nấc cao nhất của chính sách. Giới chuyên gia cho biết, một số chính phủ sẽ không tài trợ cho sinh viên nước mình du học ở những trường không nằm trong bảng xếp hạng này, thậm chí đôi khi phải là những trường thuộc top 100.
Tuy nhiên, bảng xếp hạng đại học của QS cũng bị chỉ trích nhiều vì phụ thuộc quá mức vào các chỉ số chủ quan và các các khảo sát về danh tiếng, vốn là yếu tố có thể thay đổi theo thời gian.
Theo Andrew Oswald, nhà kinh tế ở ĐH Warwick, Vương quốc Anh, những người ra quyết định dựa trên các bảng xếp hạng đang tự lừa dối mình. Ông không ủng hộ bất kỳ bảng xếp hạng nào, nhưng là một nhà nghiên cứu, ông thấy QS ít đáng tin cậy nhất, “một phần vì họ dựa quá nhiều vào dữ liệu khảo sát hơn những yếu tố khác”.
Cơ hội cho các trường nhỏ hơn và trẻ hơn?
Với một số trường đại học ở châu Âu, châu Á, hay Mỹ Latin, việc QS công bố bảng xếp hạng đại học thế giới vào mùa thu hằng năm là thêm một lần họ trui rèn nỗi đau. Dù là đã có lịch sử lâu đời và có danh tiếng ở địa phương, những trường này thiếu vốn đầu tư, cơ sở vật chất và quy mô toàn diện cần thiết để cạnh tranh với các đại học danh tiếng ở Mỹ và Anh như Harvard, MIT, Cambridge và Stanford.
Bởi vậy, khi QS thông báo về sáng kiến mới mang tới cơ hội cho các đại học làm nổi bật điểm mạnh của mình bằng cách trả phí để được đánh giá chất lượng theo số sao [5 sao + là bậc cao nhất] vào năm 2010 thì lý do ra đời của sáng kiến này đã trở nên hết sức rõ ràng.
ĐH Limerick ở Ireland không có tên trong hai bảng xếp hạng top 400 của THE và top 500 của ARWU, dù nó có tên trong danh sách 100 đại học mới hàng đầu của THE.
Năm 2012, sau khi trả 9.850 USD phí kiểm định một lần và 6.850 USD phí cấp chứng nhận hằng năm, ĐH Limerick đã có thể đi khoe trường được “đánh giá 5 sao về cơ sở hạ tầng, trình độ giảng dạy, thực hiện cam kết, và mức độ quốc tế hóa”. Xếp hạng tổng thể của trường là 4 sao.
ĐH Cork (UCC), đứng thứ 190 trong bảng xếp hạng QS. Nhưng với việc được đánh giá chất lượng tổng thể 5 sao, nó đã đứng vào hàng ngũ những trường quốc tế tinh hoa mà theo QS mang lại cho sinh viên “cơ sở vật chất hiện đại nhất cùng đội ngũ giảng dạy và nghiên cứu viên có danh tiếng quốc tế”. Để so sánh, trường này thuộc nhóm các trường xếp thứ từ 301 đến 400 trong bảng xếp hạng ARWU và thuộc nhóm các trường xếp thứ từ 301 đến 350 trong bảng xếp hạng THE.
Với cả hai đại học Ireland nói trên, việc được gắn sao QS mang lại kết quả tuyệt vời. Đại diện của ĐH Cork cho biết chỉ cần việc gắn sao giúp lôi kéo thêm một sinh viên quốc tế đăng ký học trọn khóa là trường đủ tiền trang trải các chi phí kiểm định và chứng nhận hằng năm.
“Câu hỏi đặt ra là, phải chăng chúng ta đang bỏ tiền để mua sao?” Ellen Hazelkorn, giám đốc nghiên cứu tại Viện Công nghệ Dublin và là tác giả của cuốn sách “Xếp hạng và tái định hình giáo dục đại học”, nói. “Họ có thể thuyết phục các trường ở tốp dưới trong các bảng xếp hạng rằng, ‘Các anh có thể gắn cho mình 4 hoặc 5 sao,’ điều này sẽ tạo ấn tượng tốt hơn nhiều trên website của trường.”
Philip Altbach, giám đốc Trung tâm Giáo dục Quốc tế thuộc ĐH Boston, là người lâu nay vẫn chỉ trích các bảng xếp hạng. Theo ông, “Cái mà họ đo đếm chỉ là một dải hẹp thuộc về giáo dục.” Ông đã viết các bài báo phản đối việc QS sử dụng các khảo sát về danh tiếng (danh tiếng trong giới học thuật và danh tiếng đối với các chủ doanh nghiệp) mà theo ông “có giá trị mơ hồ” đang chiếm đến một nửa số điểm xếp hạng. Nhưng ông mô tả việc đánh giá chất lượng đại học bằng số sao của QS mới đặc biệt mơ hồ.
“QS sử dụng các xếp hạng để bán các sản phẩm của mình,” ông nói, hàm ý một trong những sản phẩm đó là dịch vụ cung cấp tư vấn chiến lược cho các trường kinh doanh, các đại học và chủ lao động.
Trong khi đó, Ben Sowter, người đứng đầu QS Intelligence Unit, nơi giám sát cả việc xếp hạng và đánh giá bằng sao, khẳng định không có chút thiên vị nào trong hai hệ thống này của QS. “Không thể chỉ vì các cơ quan kiểm định tính phí các trường mà cho rằng họ thiên vị,” ông nói.
“Nếu người ta có thể bỏ tiền mua sao thì chúng tôi làm sao có nhiều trường không sao, một sao, hai sao như vậy trong các quá trình đánh giá. Ông dẫn ra con số, tính đến năm 2012, trong số 106 trường được xếp hạng thì quá nửa chỉ được đánh giá 2 sao hoặc dưới 2 sao (đến nay đã có gần 300 đại học ở 45 nước được QS gắn sao).
“Trong một thế giới nơi Harvard được đánh giá 5 sao thì cớ gì bạn không muốn được nhìn nhận như một ngôi trường 3 sao?” ông nói thêm. “Nhiều người vẫn hạnh phúc được ở trong các khách sạn 3 sao mà.”
Harvard, Cambridge và một vài trường tinh hoa được QS gắn 5 sao mà không phải mất phí hay phải cung cấp dữ liệu, theo QS. Tổ chức này nói rằng những ngôi trường đó được đưa vào để giúp xây dựng thước đo cho việc đánh giá chất lượng bằng sao.